Nhân Ngày Quốc tế Giáo dục 24/1, UNESCO vừa ra thông điệp nhấn mạnh, trong một thế giới ngày càng phức tạp, không chắc chắn và bấp bênh, cần huy động trí tuệ tập thể để gây dựng nền giáo dục bao trùm, bình đẳng và chất lượng.
Ngày 24/1 năm nay đánh dấu lần thứ ba cộng đồng quốc tế hưởng ứng Ngày Quốc tế Giáo dục, theo tuyên bố của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 12/2018.
Theo UNESCO, ngày Quốc tế Giáo dục năm nay là một cơ hội tốt để cùng nhìn nhận lại giáo dục và vai trò của giáo dục hướng tới một thế giới hậu Covid-19. Đồng thời, đây cũng là dịp tái khẳng định giáo dục là một quyền cơ bản của con người, cần được chung tay bảo vệ.
Tại Việt Nam, giáo dục luôn được coi là ưu tiên hàng đầu trong các mục tiêu phát triển đất nước, đồng thời nhận được nhiều ủng hộ từ các hộ gia đình bất kể điều kiện kinh tế.
Công nghệ không phải liều thuốc chữa bách bệnh
Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục và nâng cao trình độ của lực lượng lao động để chuẩn bị cho cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.
Trong quá trình này, UNESCO nhấn mạnh, "cần đảm bảo cơ hội học tập bao trùm và bình đẳng cho tất cả mọi người", đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, các cộng đồng dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người di cư, v.v.
UNESCO cũng lưu ý, công nghệ không phải là "liều thuốc chữa bách bệnh" cho mọi vấn đề còn tồn tại trong giáo dục. Theo đó, nếu chỉ đơn thuần cung cấp thiết bị thông minh có kết nối Internet cho mọi người, sẽ không mang lại những thay đổi tích cực trong việc học; mà cần hoạch định chính sách một cách kỹ lưỡng để việc học được cải thiện thông qua các công cụ đó.
Đưa sự đa dạng văn hóa vào giáo dục
Việt Nam là một quốc gia có nền văn hóa đa dạng và phong phú, với 54 dân tộc cùng chung sống. Đất nước còn có một kho tàng tri thức và thực hành truyền thống của tất cả các dân tộc về lối sống xanh, kinh tế xanh và hành động vì khí hậu. Những tri thức và thực hành này cần phải được bảo tồn, chia sẻ và biết đến rộng rãi.
Theo UNESCO, để văn hóa đóng góp một cách sâu rộng hơn vào sự phát triển của đất nước và gắn kết trong xã hội, giáo dục phải được coi là chìa khóa trong việc nâng cao nhận thức và sự tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa.
Việt Nam cần thúc đẩy sự đa dạng văn hóa và tính đa ngôn ngữ trong giáo dục, từ đó tăng cường sự thấu hiểu liên văn hóa của người dân Việt Nam và gián tiếp tăng khả năng tiếp cận giáo dục và cơ hội việc làm cho các cộng đồng dân tộc thiểu số.
Xa hơn nữa, đã đến thời điểm Việt Nam tiến thêm một bước nhằm nâng cao những phẩm chất công dân toàn cầu cho người dân Việt Nam, đặc biệt là thanh niên.
Điều này cần hướng tới nuôi dưỡng lòng trắc ẩn và sự thấu cảm của họ đối với một thế giới đa dạng, khác biệt và ngày càng kết nối mà mọi người đang sống.
Nhân Ngày Quốc tế Giáo dục 24/1, UNESCO kêu gọi mọi cá nhân, mọi trí tuệ tập thể cùng tham gia trao đổi và chia sẻ ý kiến về việc "cần hình dung lại tri thức, giáo dục và học tập như thế nào trong một thế giới ngày càng phức tạp, không chắc chắn và bấp bênh".