Cuộc khủng hoảng corona ở Ấn Độ – hàng trăm triệu lao động bị mất việc làm. Tuy nhiên đại dịch cũng làm cho một số ngành nghề mới ra đời và phát triển.
Kể từ hồi tháng sáu, khi Ấn Độ chấm dứt thời kỳ cấm cửa nghiêm ngặt cô Kalavati, người phụ nữ có ba người con đã trưởng thành, làm một công việc mới với tư cách là “chuyên gia vệ sinh”. Cô phun chất khử trùng dọc theo các hành lang, diện tích nhà xưởng, chỗ làm việc của các doanh nghiệp và các cửa hàng. Với khách hàng nhỏ lẻ thì cô nhận phun khử trùng xe xích lô, xe máy và các thứ lặt vặt khác .
Đối với Kalavati thì công việc mới mẻ này giúp cô kiếm được tiền mà cũng dễ làm. Nhờ nó cô thoát nạn thất nghiệp. Ngay sau khi Thủ tướng Narendra Modi ra lệnh cấm cửa hôm 23 tháng ba cô đã phải đóng cửa quán ăn của mình, vợ chồng cô mở quán ăn này đã được chục năm nay.
Buổi trưa công nhân viên làm việc tại các văn phòng, các hãng viễn thông, các nhà máy dệt, hóa chất đều ăn trưa tại quán của vợ chồng cô. Mỗi ngày họ cũng thu nhập trên dưới 1000 Rupie, khoảng 500 nghìn đồng.
Trong đại dịch này ít nhất đã có khoảng 100 triệu người Ấn Độ bị mất việc làm. Trong đó phụ nữ chiếm số đông. Một phần cũng vì phần đông phụ nữ làm trong lĩnh vực ăn uống, trang điểm, giáo dục, làm lao công, giúp việc gia đình vv...Trước khi xảy ra đại dịch, theo số liệu thống kê chính thức lao động nữ chiếm khoảng ¼ số người đi làm.
Hiện nay tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 13%, so với 2% ở nam giới, theo phân tích của chuyên gia về kinh tế phát triển Mitali Nikore, nhà tư vấn của Ngân hàng Thế giới.
Tuy nhiên trong tình hình đặc biệt này nhiều người Ấn Độ tỏ ra năng động sáng tạo. Sau lệnh đóng cửa, ở nhiều thôn làng xuất hiện các cửa hàng làm dịch vụ như sửa chữa điện thoại, một số người làm đầu bếp, nấu ăn tại nhà, chủ yếu để giao cho khách hàng khi có yêu cầu. Từ đây dịch vụ giao hàng cũng phát triển ở các lĩnh vực khác. Đại dịch cũng tạo ra những ngành nghề mới.
Sau khi chấm dứt tình trạng cấm cửa nhiều người Ấn tham gia các khóa học ngắn các ngành, sau đó họ mở các cửa hành làm dịch vụ ngay trong làng xã của mình, trước kia muốn sữa điện thoại di động người ta thường phải lên thị trấn hay thành phố.
Các phòng xét nghiệm corona cũng có nhu cầu tuyển dụng lao động làm những việc đơn giản như ghi chép sổ sách, nạp dữ liệu hay lấy mẫu máu. Để làm các loại công việc này không nhất thiết phải là y tá hay hộ lý. Theo Economic Times riêng lĩnh vực này cũng đã tạo ra được 200.000 việc làm.
“Lần đầu tiên tôi nghe ông xã trưởng nói về cái nghề làm vệ sinh này”, cô Kalavati, 40 tuổi kể. Từ tháng năm doanh nghiệp xã hội đã có các cuộc tiếp xúc với dân làng ở các bang như Odisha hay Karnataka. Cho đến nay, cùng phối hợp với chính quyền trung ương doanh nghiệp đã huấn luyện đào tạo cho 450 lao động ở các vùng nông thôn làm nghề vệ sinh này. Dự kiến cần trên 5000 người.
Labournet giúp đỡ những người thuộc khu vực phi chính thức trong quá trình khởi nghiệp và tiến hành các khóa bồi dưỡng nâng cao tay nghề. Cô Lipsa Bharati, một trong các tư vấn viên của Labournet tin chắc rằng trong bối cảnh đại dịch như hiện nay nhu cầu về vệ sinh, khử trùng của các doanh nghiệp sẽ ngày càng tăng.
Doanh nghiệp huấn luyện những người như cô Kalavati, phun khử trùng cho đúng cách, bảo vệ bản thân trước virus và môi giới tìm việc làm cho cô. Thông qua một App các doanh nghiệp có thể đăng ký nhu cầu của mình – và những lao động như Kalavati tìm được việc làm. Doanh nghiệp Labournet không phải là NGO. Nhân viên vệ sinh như Kalavati phải tự mua sắm dụng cụ, đồ nghề, trị giá khoảng 600.000 đồng. Nếu doanh nghiệp môi giới việc làm thì họ được giữ lại 20% phí môi giới. Nếu người lao động tự tìm được việc làm doanh nghiệp hưởng 5%.
Tại văn phòng khu công nghiệp cô Kalavati mặc bộ quần áo bảo hộ lao động màu xanh, đổ chất khử trùng vào máy phun. “Tôi thích công việc này, nó cho tôi cảm giác được tự do, không bị phụ thuộc”, cô nói. “là phụ nữ tôi dễ được mọi người tin cậy và để cho tôi làm việc trong văn phòng của họ”.
Kể từ tháng sáu cô làm việc cho hơn 100 văn phòng, cửa hàng, các cơ sở nhỏ lẻ ngoài ra còn làm vệ sinh khử trùng cả ô tô, xe máy và xích lô. Mỗi ngày cô kiếm được khoảng 500 Rupie, cô kể, khoảng hơn 300.000 đồng, cao hơn tiền lương tối thiểu ở Ấn Độ và xấp xỉ khoản thu nhập mà cô kiếm được khi mở quán ăn cùng chồng. Ngoài ra cô còn giúp chồng trong một cái quán nhỏ của ông ta, bán trái cây, nước giải khát và đồ ăn vặt phục vụ dân văn phòng.
Thông thường nghề làm vệ sinh, quét dọn ở Ấn Độ không những chỉ nhận được mức lương thấp mà còn bị xã hội coi thường. Kalavati nói, cô không thấy mình bị kỳ thị và cũng không sợ bị lây nhiễm corona. Hơn nữa, dường như do đại dịch nên vị trí của người lao động vệ sinh có khác trước, họ được đánh giá là lực lượng bảo vệ xã hội chống dịch bệnh.
Kalavati nói, cô tự hào về công việc mới mẻ này. “Tôi không những vẫn có thu nhập cho gia đình mà còn góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan”, cô nói. Cô sẽ làm công việc này đến bao giờ, điều này phụ thuộc vào đại dịch. Cô hy vọng sang năm cô lại có thể mở lại quán ăn ở khu công nghiệp – tất nhiên cô sẽ chú ý hơn đến việc bảo đảm vệ sinh sạch sẽ.
Nguồn: spiegel.de