Hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, các startup phát hiện ra cơ hội kinh doanh mới để mở rộng danh mục đầu tư, đồng thời cảm thấy có thể sử dụng kỹ năng và công nghệ của mình cho những mục đích xã hội tốt đẹp.

Ảnh minh họa | Startup Klaxoon hợp tác với Dropbox để khiến giải pháp của họ dễ tiếp cận hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trường đại học và tổ chức phi chính phủ | Nguồn: EU-Startup
Ảnh minh họa | Startup Klaxoon hợp tác với Dropbox để khiến giải pháp của họ dễ tiếp cận hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trường đại học và tổ chức phi chính phủ | Nguồn: EU-Startup

Trong nhiều thập kỷ qua, các tổ chức phi chính phủ (NGO/INGO) đã xây dựng được mạng lưới rộng lớn; tuy nhiên, họ vẫn sử dụng những giải pháp khá cũ để giải quyết những thách thức xã hội đang ngày càng phức tạp.

“Những người làm việc trong khu vực phi chính phủ đều muốn làm điều khác biệt nhưng họ bị cuốn vào công việc quản lý hằng ngày và không thể suy nghĩ chiến lược. Họ nghĩ về tương lai trong một vài năm tới nhưng không phải là 10 –15 năm tiếp theo,” bà Zoe Abrahamson, cố vấn gây quỹ cấp cao tại tổ chức Bond chuyên hỗ trợ các NGO ở Anh, nhận xét.

Báo cáo do tổ chức tư vấn Nesta và Save the Children hợp tác với Bond thực hiện đã chỉ ra cách mà các tổ chức phi chính phủ có thể hợp tác với các công ty khởi nghiệp để mang lại lợi ích chung cho cả hai bên.

Mặc dù mối quan hệ hợp tác này chưa được phổ biến nhưng ngày càng có nhiều tổ chức phi chính phủ thử nghiệm các mô hình tương tác khác nhau. Có nhiều hình thức để hai bên bắt tay với nhau, từ những cách sơ khởi như cuộc thi “Hackathon Nhân đạo” kéo dài 2 ngày do Chương trình Lương thực Thế giới (FAO) tổ chức, cho đến những quan hệ đối tác lâu dài hơn như “Vườn ươm đổi mới sáng tạo xã hội” cho startup trong vòng 6 tháng được các chuyên gia của Hội Chữ thập đỏ Pháp hỗ trợ.

Cụ thể, cuộc thi "Hackathon Nhân đạo" diễn ra vào ngày 15 và 16/1/2019 tại Brussels, Bỉ, thu hút được hơn 130 nhà vô địch về công nghệ và đổi mới sáng tạo từ 40 quốc gia để phát triển các công cụ mới giúp phân phối viện trợ và xóa đói. Thông qua cuộc thi, nhiều đội đã phát triển những công cụ số được đánh giá là "phù hợp", giúp nông dân sản xuất nhỏ tiếp cận thị trường hoặc đảm bảo quy trình mua sắm phi tập trung hiệu quả và minh bạch để cung ứng phực phẩm trong trường học. Ban tổ chức đã khởi xướng việc thực hiện 4 ý tưởng trong số đó.

Những người tham gia thuộc lĩnh vực CNTT (cá nhân và công ty tư nhân) trước đây không có kinh nghiệm trong lĩnh vực viện trợ nhân đạo đều phản hồi rằng họ đã "phát hiện ra một cơ hội kinh doanh mới để mở rộng danh mục đầu tư của mình". Ngoài ra, họ cảm thấy có thể sử dụng các kỹ năng và công nghệ của mình "cho mục đích tốt đẹp" để đóng góp một cách chuyên nghiệp cho lĩnh vực viện trợ nhân đạo sau trải nghiệm này. 95% đội thi cho biết họ sẽ đến với những chương trình tương tự tiếp theo.

Bằng cách phân tích các ví dụ hợp tác giữa các tổ chức phi chính phủ và giới khởi nghiệp, Báo cáo của Nesta và Save the Children đã xác định bốn mục tiêu mà khu vực phi chính phủ thường hướng tới khi tham gia hợp tác với các công ty khởi nghiệp, đó là:

• Hỗ trợ các công ty khởi nghiệp có cùng sứ mệnh và giá trị. Ví dụ, Tổ chức hỗ trợ người tàn tật Leonard Cheshire đặt ra giải thưởng cho những doanh nhân khuyết tật để nuôi dưỡng hệ sinh thái kinh doanh có sự tham gia của nhiều người khuyết tật hơn.

• Trẻ hóa tư duy và hoạt động nội bộ. Ví dụ, sau khi thiết lập không gian làm việc chung cho các startup công nghệ, Tổ chức môi trường Friends of the Earth đã học hỏi, sử dụng công cụ và cải thiện các quy trình nội bộ của mình trong việc quản lý dự án, nghiên cứu và giám sát tác động xã hội.

• Cùng giải quyết các thách thức hiệu quả hơn thông qua đổi mới sáng tạo. Ví dụ, Quỹ Đổi mới sáng tạo của UNICEF giúp các startup công nghệ mới nổi phát triển và thí điểm các công nghệ nguồn mở mà UNICEF có thể sử dụng trên quy mô lớn để mang lại lợi ích cho trẻ em toàn cầu.

• Đảm bảo khả năng tồn tại lâu dài của các tổ chức phi chính phủ. Ví dụ, bằng cách mua lại các startup với mô hình hoạt động, doanh thu và tác động khác nhau, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Australia vừa có thể áp dụng mô hình mới, đồng thời tận dụng nguồn lực của mình để mở rộng quy mô các dự án khởi nghiệp đó.

Tuy nhiên, hai bên cũng phải vượt qua những trở ngại nhất định để có thể bắt tay với nhau, báo cáo nhận xét. Qua phỏng vấn 35 đại diện các tổ chức phi chính phủ và startup cùng 50 chuyên gia trong lĩnh vực liên quan, báo cáo chỉ ra, đối với các tổ chức phi chính phủ, những rào cản chính bao gồm việc thiếu những quỹ linh hoạt có thể dành riêng cho hợp tác khởi nghiệp và phải đối mặt với nguy cơ tổn hại danh tiếng nếu việc hợp tác gặp trục trặc. Mặt khác, các startup cũng khó khăn trong việc hiểu các hoạt động của khu vực phi chính phủ và điều chỉnh những quy trình, đầu mối liên lạc của mình cho tương thích.

Tham khảo: