Đó là nhận định của Ban cố vấn về các dự án giành chiến thắng tại Cuộc thi Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu Hack4Growth do Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) tổ chức lần đầu.
Ngày 26/12 tại Hà Nội, Cuộc thi Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu Hack4Growth 2020 đã tiến hành trao giải.
Theo đó, Giải nhất trị giá 10.000 USD thuộc về dự án
Egreen
- Phát triển điện biogas, giảm phát thải và ứng phó với biến đổi khí
hậu - của 5 thành viên đến từ ĐH Bách khoa Hà Nội. Nhóm đã phát triển
các phương pháp chuyển đổi máy phát điện diesel của trang trại sang máy
phát điện khí sinh học và cung cấp riêng các máy phát điện khí sinh học công suất từ 60-150kVA với giá thấp hơn 30-50% so với các máy tương đương của Trung Quốc và thu
hồi vốn trong vòng 2 năm. Theo tính toán, một máy phát điện khí sinh học
công suất 100KVA sẽ giúp giảm 100 tấn CO2/năm và tiết kiện 500 triệu
đồng tiền điện mỗi năm. Các
thiết bị này đã được ứng dụng tại một số trang trại ở Nam Định, Thái
Nguyên, Bắc Ninh và Hà Nội và kì vọng sẽ trở nên phổ
biến trên thị trường Việt Nam hiện có hơn 23.500 trang
trại.
Giải nhì trị giá 7.000 USD thuộc về Agrifood
- nền tảng phát hiện tình trạng bệnh cây thông qua hình ảnh các đặc
điểm sinh hóa, từ đó đưa ra lời khuyên tốt nhất cho người nông dân,
người trồng trọt, người trồng cây cảnh tại nhà,... Thành
lập bởi hai bạn trẻ từ ĐH Bách Khoa Đà Nẵng và ĐH Khoa học Tự nhiên
TP.HCM, dự án hiện có hơn 4 triệu dữ liệu ảnh về nông nghiệp ở Việt Nam.
Tập trung ở khu vực miền Tây và TP.HCM, họ đang liên kết với 40 cửa
hàng vật tư và trang thương mại điện tử để phát triển các ứng dụng của
mình.
Giải ba trị giá 5.000 USD thuộc về
MMM -
máy đọc chỉ số thông minh (nước, điện, gas) giúp giảm thất thoát tài
nguyên và phân tích dữ liệu để đưa ra dự đoán nhu cầu sử dụng, khả năng
thiếu hụt trong tương lai. Các thành viên đến từ công ty công nghệ
LC Việt Nam, Trường cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội và Trường Đại học
Bách Khoa Hà Nội kì vọng thiết bị của mình sẽ giúp xâm nhập vào thị
trường ở Việt Nam và Đông Nam Á. Hiện
thiết bị đã được thử nghiệm tại công ty Sumitomo ở khu công nghiệp
Bắc Thăng Long, Hà Nội, và đạt được thỏa thuận giai đoạn một để ứng dụng
với 350.000 khách hàng của công ty cấp nước Hải Phòng.
Ngoài ra, trong Top 10 có mặt ở chung kết còn có những dự án nổi bật như DAC (Gậy dò đường cho người khiếm thị), Children Angel (Nền tảng số giúp bố mẹ nuôi dạy con cái vàchấm dứt bạo hành), Bee Clear (Cộng đồng luyện nói tiếng Anh cùng nhau), AIQuant (Giải pháp phân tích thông minh cho lĩnh vực tài chính), I.A.M (Ứng dụng xử lý ảnh và robot trong quá trình làm sạch tổ yến), Project Cocoon (Nền tảng quản lý và chia sẻ dự án của các nhà nghiên cứu), SpaceHub (Nền tảng chia sẻ và kết nối bãi đỗ xe).
Theo Ban cố vấn Cuộc thi, các dự án đã có những "kế hoạch kinh doanh khá trưởng thành" và "nếu có sự trợ giúp từ các bên khác nhau thì sẽ là những dự án rất tốt cho không chỉ hoạt động kinh doanh mà còn cho cộng đồng”.
"Chúng tôi quan tâm đến giá trị ảnh hưởng của dự án chứ không chỉ tìm đội xuất sắc trao giải", TS. Lưu Vĩnh Toàn, chuyên gia cao cấp về Tìm kiếm dữ liệu, Move Digital AG, đồng thời là Chủ tịch Hội trí thức chuyên gia Việt Nam tại Thụy Sĩ, một thành viên của AVSE Global, nhấn mạnh. "Đại dịch Covid-19 tạo ra động lực mạnh bắt buộc mỗi con người, doanh nghiệp phải sáng tạo, linh hoạt hơn để thích nghi với một sự bình thường mới. Nhiều lĩnh vực được chú trọng cần phải khẩn trương đổi mới hơn."
Còn GS. Nguyễn Đức Khương - Chủ tịch AVSE Global - nhận xét,
sự thể hiện của các đội thi là minh chứng cho việc Việt Nam có thể trở
thành "điểm đến đổi mới sáng tạo toàn cầu" trong tương tai không xa.
Sau
một năm triển khai, Cuộc thi đã thu hút hơn 500 thí
sinh người Việt ở hơn 15 quốc gia với hơn 30 dự án thuộc nhiều lĩnh vực như môi trường, nông nghiệp,
giáo dục, công nghệ, kinh tế, an sinh xã hội v.v.
AVSE Global cho biết sẽ xây dựng một nền tảng (platform) để đưa dữ liệu của những đội thi thuộc Top 30 và các nhà cố vấn, nhà đổi mới sáng tạo cùng đối tác liên quan, từ đó duy trì một mạng lưới hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho Việt Nam.
Xem chi tiết video của các dự án TOP 10
tại đây.
Thành lập vào tháng 5/2011, AVSE Global tập hợp các chuyên gia, trí thức người Việt Nam tại nhiều quốc gia và hiện chủ yếu tập trung vào các dự án về giáo dục, công nghệ, kinh tế - tài chính, phát triển bền vững và thu hút nhân tài.
Năm 2020, lần đầu AVSE Global tổ chức Cuộc thi Hack4Growth dưới sự bảo trợ Ủy
ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài. |