Ông Trần Việt Hùng - CEO và là người sáng lập GotIt! (một ứng dụng giáo dục trên điện thoại xây dựng trên nền tảng hỏi - đáp) chia sẻ như vậy tại buổi thảo luận về kinh nghiệm khởi nghiệp tại ĐH Kinh tế Quốc dân ngày 18/11 với chủ đề:" Tại sao không nên khởi nghiệp ngay?".
Theo đánh giá của ông Trần Việt Hùng, hiện nay phong trào người người khởi nghiệp, nhà nhà khởi nghiệp đang dấy lên rất mạnh mẽ ở Việt Nam. Là người từng có thời gian làm việc trong môi trường khởi nghiệp chuyên nghiệp tại Silicon Valley (Mỹ) với những thành công và thất bại nhất định, ông chia sẻ: "Tôi có thể đưa ra hàng nghìn lý do nên khởi nghiệp và sẽ có hàng nghìn lý do không nên.Tôi muốn phân tích cho các bạn có cách nhìn nhận kỹ càng hơn trước khi quyết định và xem có nên khởi nghiệp hay không. Khi khởi nghiệp, tôi thống nhất với nhóm của mình là sẽ không theo những gì mà tất cả đám đông đi theo", CEO GotIt! nói, và đưa ra 3 lý do không nên khởi nghiệp ngay.
"Thứ nhất, khi khởi nghiệp, các bạn chủ yếu chia sẻ rằng có ý tưởng rất hay. Nhưng ở Silicon Valley thì ý tưởng là thứ rẻ mạt nhất. Ý tưởng mà không biến được thành sản phẩm hay dịch vụ thì không có giá trị gì cả. Thế giới có 7 tỷ người có khi hàng nghìn người chia sẻ một ý tưởng, nhưng có mấy người làm được, biến được ý tưởng thành dịch vụ, sản phẩm? Đừng vội khởi nghiệp khi mới chỉ có ý tưởng. Trong thời gian một tuần ở Việt Nam tôi đã giúp 7 công ty tự giải tán vì khi khởi nghiệp các bạn đều mới chỉ có ý tưởng".
"Thứ hai, đa số những người tôi gặp khi có ý tưởng gì đó thì “nhảy” vào làm ngay sản phẩm, dịch vụ nhưng làm xong thì không ai dùng, bởi không biết rằng người khác không cần ý tưởng đó, chỉ bạn ấy cần thôi. Thứ ba, gần như các bạn không lường trước được làm startup thì cần có những gì. Nhiều bạn trên báo nhìn rất hoành tráng, phát biểu tại các diễn đàn, các cuôc gặp và khiến chúng ta cảm thấy công việc này thú vị hơn nhiều so với ở các công ty từ 8h đến 17h. Nhưng đó chỉ là phần nổi" - Trần Việt Hùng nói.
Người sáng lập GotIt khuyên rằng, người khởi nghiệp cần phải biết rằng ngay ởSilicon Valley tỷ lệ thất bại vẫn là 9/10: "Bạn sẽ thất bại rất nhiều, bạn có sẵn sàng không? Nếu bạn may mắn, khi sản phẩm của bạn bắt đầu phát triển, có hàng trăm thứ nhảy vào đầu làm bạn rối lên, bạn đã sẵn sàng chưa? Đây là những điều mà các bạn khởi nghiệp cần phải biết, là phần chìm của startup chứ không chỉ là những phần các bạn nhìn thấy. Khi các bạn đã chuẩn bị sẵn sàng thì mới nên khởi nghiệp".