Thị trường sơ khai nhiều cản trở
Sự thiếu và yếu các tổ chức trung gian trong thị trường KH&CN là vấn đề khiến nhiều đại biểu trăn trở. Ông Phạm Đình Phong - Sở KH&CN Đà Nẵng - nói: “Việc xã hội hóa các tổ chức trung gian gặp nhiều khó khăn vì còn mới mẻ. Thông tư 16/2014/TT-BKH&CN quy định điều kiện thành lập, hoạt động của các tổ chức trung gian cũng chưa rõ nên việc triển khai càng không dễ dàng”.
TS Lê Văn Rao - Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội - cho biết, đến cuối năm 2015, sở đã cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động KH&CN cho hơn 470 tổ chức, nhưng chưa tổ chức nào hoạt động trong lĩnh vực đánh giá, định giá, giám định công nghệ, xúc tiến chuyển giao công nghệ (CGCN).
Nếu có đăng ký, họ cũng gặp vướng mắc vì đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư 2014 nhưng chưa có văn bản hướng dẫn. Các văn bản pháp luật liên quan đến tổ chức trung gian của thị trường KH&CN cũng mới được ban hành, nên cần thêm thời gian để thực sự đi vào cuộc sống.
Theo ông, các startup hiện rất chật vật trong việc đăng ký vốn điều lệ, tăng tài sản từ sở hữu trí tuệ. Việc ngân hàng không chấp thuận thế chấp tài sản trí tuệ để vay vốn là rào cản với các tổ chức muốn góp vốn đầu tư bằng bản quyền công nghệ.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu tại hội nghị “Phát triển thị trường KH&CN” ngày 14/11 tại TPHCM. Ảnh: KA
Để thị trường KH&CN phát triển, ông Rao cho rằng Bộ KH&CN cần sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ và CGCN; xây dựng cơ chế thúc đẩy kết nối thị trường KH&CN trong nước và nước ngoài, nâng cao trình độ phát triển thị trường KH&CN theo chuẩn mực quốc tế. Cần xây dựng cơ chế chính sách giúp doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào việc nghiên cứu, ứng dụng và triển khai, ươm tạo công nghệ.
“Cần thay đổi cách nghĩ rằng đã nghiên cứu là phải thành công. Phải chấp nhận rủi ro, nhận thức được doanh nghiệp là chủ thể chính, là nguồn cầu quan trọng nhất của thị trường KH&CN để có chính sách thực tiễn và nhất quán” - ông Rao nói.
Ông Nguyễn Phạm Tú - Sở KH&CN An Giang - cho rằng cần có quy định chặt chẽ và hướng dẫn cụ thể việc bảo hộ và phân chia quyền sở hữu các sản phẩm nghiên cứu, giúp minh bạch và hướng các nghiên cứu đến mục đích thương mại hóa. Đồng thời, cần tăng cường cơ chế đặt hàng, khoán sản phẩm nghiên cứu khoa học nhằm huy động các nhà khoa học tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc của thực tiễn.
Tăng sức cạnh tranh cho công nghệ nội
Cầu công nghệ cũng là vấn đề nóng mà nhiều đại biểu đặt ra trong việc phát triển thị trường KH&CN. Ông Phạm Đình Phong phản ánh, ở Đà Nẵng, phần lớn doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ nên nhu cầu công nghệ không cao. “Việc chưa có cơ chế kích cầu rõ ràng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của thị trường KH&CN” - ông Phong nói.
Ở TPHCM thì ngược lại, nhu cầu công nghệ và CGCN rất lớn - theo ông Lương Tú Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TPHCM. “Tuy nhiên, doanh nghiệp không mặn mà, thiếu niềm tin với công nghệ trong nước bởi nó thường chưa hoàn thiện, sẽ gây khó khăn cho họ khi tiếp nhận” - ông Sơn cho biết.
Ông cũng kiến nghị Bộ KH&CN tăng cường giới thiệu các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, tìm các hình thức hợp tác với các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, tổ chức trung gian để giúp doanh nghiệp đổi mới, tiếp nhận công nghệ thuận lợi hơn.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng, để các kết quả nghiên cứu trong nước đi vào thực tiễn, các nhà khoa học phải biến nó thành sản phẩm, công nghệ phải được thương mại hóa, chuyển giao thành công. Muốn vậy, các công nghệ trong nước phải đảm bảo độ tin cậy, chất lượng tương đương công nghệ nước ngoài để doanh nghiệp yên tâm sử dụng.
“Bộ KH&CN đang bàn với một số bộ, ngành ưu tiên sử dụng công nghệ Việt Nam trong chính sách mua sắm tập trung, mua sắm công hoặc đầu tư cho phát triển địa phương. Hiện bộ có các chương trình về đổi mới công nghệ quốc gia, quỹ đổi mới công nghệ, phát triển thị trường công nghệ... nhằm hỗ trợ đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp, hỗ trợ những cá nhân, tổ chức có nhu cầu chuyển giao công nghệ” - Thứ trưởng cho biết.