Nhiều người nước ngoài đang có công việc thu nhập cao, ổn định tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Facebook… bỏ việc để gia nhập công ty khởi nghiệp GotIt! của CEO Trần Việt Hùng. Vì sao “gã tí hon” này lại có sức hút lớn đến như vậy?
Bỏ Google, Facebook về GotIt!
Tháng 3/2014, Matt Gabler - người phụ trách phát triển Google Books, đang có thu nhập hàng triệu USD mỗi năm tại đây - gây ngạc nhiên khi quyết định rời Google về làm cho GotIt! - một công ty khởi nghiệp nhỏ tại thung lũng Silicon.
Lý giải quyết định của mình, Matt nói: “Tôi biết Trần Việt Hùng và GotIt! vài tháng trước khi quyết định đầu quân cho công ty này. Ban đầu tôi không hề có ý định về GotIt!. Tuy nhiên, sau vài lần gặp gỡ, chúng tôi hiểu nhau rõ hơn và tôi thực sự ấn tượng với những gì mà một công ty nhỏ như GotIt! làm được tại thời điểm đó. Tôi cho rằng họ có thể tạo ra những thay đổi lớn lao nên quyết định về GotIt! làm việc”.
Không chỉ Matt Gabler mà hàng loạt nhân vật có tiếng khác trong giới công nghệ như Rohan Relan - người khởi động App Streaming của Google, hay David Ye - người xây dựng quảng cáo trên Newsfeed của Facebook… cũng lần lượt về với GotIt!. Nhờ những sự trợ lực này mà GotIt! có những bước phát triển thần tốc. Hiện công ty đã lọt vào top 2 những ứng dụng dành cho học tập trên App Store và đứng đầu, trên cả Google Play.
Chỉ tuyển người giỏi hơn CEO
CEO GotIt! chia sẻ, khi tuyển người, ông thường tìm những người siêu giỏi, đẳng cấp thế giới và chỉ tuyển những người giỏi hơn mình. Trần Việt Hùng giải thích: “Việt Nam có nhiều người sợ thuê nhân viên giỏi hơn mình; nhưng nếu thuê nhân viên kém hơn mình, công ty khó có cơ hội phát triển bởi mình đã là trần”.
Trần Việt Hùng thường nhờ các mối quan hệ xác định đối tượng cần tìm kiếm rồi tìm cách tiếp cận. Trong những lần gặp gỡ đầu tiên, ông luôn cố gắng tạo cho đối tượng cảm giác thoải mái, không gây áp lực rồi dần dần để họ hiểu về GotIt!, triển vọng phát triển của công ty và bản thân khi gia nhập.
Một yếu tố tối quan trọng là thứ Hùng dùng để thuyết phục họ không phải tiền bạc hậu hĩnh mà là tầm nhìn, thử thách và một vị trí tạo ra ảnh hưởng lớn. “Những người đó ở công ty cũ thì đóng góp và ảnh hưởng của họ rất nhỏ. Khi chuyển sang GotIt!, họ sẽ có sức ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của công ty và có cơ hội làm cái gì đó mang tính toàn cầu hơn” - Hùng nói.
Đó chính là trường hợp của Matt Gabler. Matt vốn phụ trách phát triển Google Books, sang GotIt! làm trưởng bộ phận điều hành. Đây là vị trí có ảnh hưởng lớn tại công ty, GotIt! càng phát triển lớn mạnh, tầm ảnh hưởng đó càng lớn.
“Khi công ty thành công và cổ phần hóa, chúng tôi sẽ có nhiều lợi ích từ cổ phiếu. Đây cũng chính là yếu tố giúp công ty thu hút và giữ chân người tài. Bạn biết đấy, tại thung lũng Silicon, sự cạnh tranh là vô cùng khốc liệt, các chuyên gia công nghệ giỏi luôn luôn được săn đón” - Matt Gabler chia sẻ.
Trần Việt Hùng cho biết quy trình tuyển dụng nhân viên của ông có nhiều khác biệt so với Việt Nam. Người tuyển dụng có thể gặp gỡ sếp hoặc đồng nghiệp của nhân viên định tuyển dụng để tìm hiểu thêm về người này. Sau khi “kéo” được người giỏi về, Hùng sẽ đặt hết niềm tin và tạo điều kiện để họ thể hiện, phát huy năng lực.
“Việt Nam có nhiều người sợ thuê nhân viên giỏi hơn mình; nhưng nếu thuê nhân viên kém hơn mình, công ty khó có cơ hội phát triển bởi mình đã là trần” - CEO Trần Việt Hùng.
Kỹ năng làm ông chủ của Tây
“So với những sếp khác, làm việc với Hùng không tạo cho tôi sự khác biệt bởi Hùng có rất nhiều đặc điểm của một ông chủ Mỹ. Anh có rất nhiều ý tưởng sáng tạo tuyệt vời, lại không hề sợ thất bại, luôn thích khám phá những điều mới lạ - điều tương đồng với những công ty khởi nghiệp khác ở Mỹ” - Matt Gabler cho biết.
Cho rằng yếu tố tiên quyết để có thể làm ông chủ của tây là phải thay đổi bản thân, Trần Việt Hùng giải thích thêm: Người Việt qua Mỹ có nhiều cái không hiểu, không biết về văn hóa, con người, ngôn ngữ. Chính điều này tạo ra áp lực buộc những người như ông phải học, học thật nhanh và thậm chí là phải biến mình khác đi để phù hợp. “Nhiều bạn có quan điểm là phải giữ bản sắc, tôi thì cho rằng cái quan trọng là khả năng thích nghi với hoàn cảnh. Phải nhận ra cái gì mình không biết và luôn luôn phải học hỏi” - Hùng bộc bạch.
CEO của GotIt! cho biết thêm, để làm lãnh đạo một công ty có nhiều nhân sự nước ngoài, ngoài việc phải hiểu văn hóa, ngôn ngữ của họ, ông chủ còn cần có các kỹ năng về quản lý, kỹ năng mềm. “Các nhân viên của GotIt! toàn là những người có năng lực và họ giỏi hơn nên trong trao đổi công việc, người chủ không nên có thái độ kẻ cả, bề trên”.
Là một công ty có nhân sự đa quốc gia, lại hoạt động ở Mỹ là chủ yếu, GotIt! thường xuyên đưa nhân viên từ Việt Nam sang Mỹ, đồng thời đưa nhân viên từ Mỹ về Việt Nam. Trần Việt Hùng cho biết, đây là cách để mọi người có nhiều thời gian cùng làm việc, học hỏi lẫn nhau.