Tối 6/6, UBND TP HCM đã công bố và trao tặng Giải thưởng Sáng tạo TPHCM 2019 cho 44 công trình, đề tài, tác phẩm, sáng tác, giải pháp, dịch vụ sáng tạo thuộc 7 lĩnh vực.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, năm nay là năm đầu tiên Thành phố tổ chức công bố và trao Giải thưởng Sáng tạo. Chỉ sau 5 tháng phát động (từ tháng 12/2018), Thành phố đã nhận được 111 hồ sơ đăng ký tham dự của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân người Việt Nam và người Việt Nam ở nước ngoài. Trong đó, có những công trình nghiên cứu, sản phẩm sáng tạo được đánh giá rất ấn tượng và độc đáo.
Thời gian qua, TPHCM đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST) phát triển. Tuy nhiên, các hoạt động ĐMST vẫn còn lồng ghép vào các hoạt động khác, những tấm gương sáng tạo vẫn chưa được tôn vinh đúng mức. Đặc biệt, Thành phố chưa có giải thưởng đặc thù dành cho hoạt động ĐMST trên địa bàn.
"Chỉ có sáng tạo, chúng ta mới không bị tụt hậu. Thành phố sẽ tiếp tục tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữa để ĐMST trở thành một xu hướng tất yếu của xã hội. Qua đó, Thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện quy chế giải thưởng, truyền thông sâu rộng hơn, nâng chất các tiêu chí giải ở mức cao hơn, để giải thưởng sáng tạo là nhân tố quan trọng khơi dậy tiềm năng sáng tạo còn ẩn chứa trong cộng đồng" - Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Phát
biểu tại buổi lễ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn
Thiện Nhân đánh giá cao những công trình tham gia Giải thưởng và cho
rằng, “Chúng ta cần làm sao để mối quan hệ giữa ba bên nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học ngày càng hiệu quả hơn, tiềm năng sáng tạo của mỗi người được phát huy tốt nhất.” Ông cũng bày tỏ kỳ vọng, với sự sáng tạo cao hơn của nhiều người hơn, được hỗ trợ hiệu quả hơn thì năng suất lao động của Thành phố sẽ tăng cao.
Giải thưởng Sáng tạo TPHCM trao cho các tập thể, cá nhân có công trình nghiên cứu, giải pháp, sản phẩm, dịch vụ sáng tạo theo 7 nhóm lĩnh vực, gồm:
Lĩnh vực 1: Giải thưởng cho các công trình nghiên cứu, các giải pháp, sản phẩm, dịch vụ mới, sáng tạo của các tập thể, cá nhân góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển; đảm bảo quốc phòng, an ninh (9 công trình)
Lĩnh vực 2: Giải thưởng cho các tác phẩm, sáng tác của văn nghệ sĩ (3 công trình).
Lĩnh vực 3: Giải thưởng cho các công trình nghiên cứu, các giải pháp, sản phẩm, dịch vụ mới trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính (5 công trình).
Lĩnh vực 4: Giải thưởng cho các sản phẩm truyền thông sáng tạo (4 công trình)
Lĩnh vực 5: Giải thưởng cho các giải pháp, mô hình triển khai thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (2 công trình)
Lĩnh vực 6: Giải thưởng cho các các công trình, giải pháp, mô hình khởi nghiệp sáng tạo có hiệu quả cao (5 công trình)
Lĩnh vực 7: Giải thưởng cho các công trình nghiên cứu khoa học cơ bản có tính mới ở trình độ quốc gia hoặc quốc tế (16 công trình)
Trong đó có 4 giải Nhất (trị giá 100 triệu đồng/giải), 15 giải Nhì (trị giá 80 triệu đồng/giải) và 25 giải Ba (trị giá 60 triệu đồng/giải).
Các công trình đoạt Giải nhất gồm:
1. Công trình “Quy trình báo động đỏ cấp cứu người bệnh trong tình trạng nguy kịch”, của các tác giả: ThS-BS Đào Trung Hiếu, PGS-TS Nguyễn Thanh Hùng; TS-BS Ngô Ngọc Quang Minh, ThS-BS Đỗ Văn Niệm, đều thuộc Bệnh viện Nhi đồng 1. Công trình thuộc lĩnh vực (kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh).
2. Vở diễn “Dấu xưa”, của ông Nguyễn Thanh Bình và đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc, do Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ dựng. Công trình thuộc lĩnh vực 2 (văn hóa - nghệ thuật).
3. Công trình “Keo thông minh trong điều trị lành thương”, của TS Nguyễn Thị Hiệp, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM. Công trình thuộc lĩnh vực 7 (khoa học cơ bản).
4. Công trình “Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất các loại tinh bột kháng tiêu hóa cao và các sản phẩm thực phẩm sinh đường thấp dùng cho các bệnh nhân béo phì và tiểu đường từ các loại lương thực của Việt Nam”. Tác giả là PGS-TS Phạm Văn Hùng, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM. Công trình thuộc lĩnh vực 7 (khoa học cơ bản).