Ngày 19/10, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp (I-STAR 2018); và Cuộc thi Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo du lịch (HIST 2018). Đây là các sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TPHCM (WHISE 2018).

I-STAR 2018 là giải thưởng lần đầu được Sở KH&CN TPHCM tổ chức, nhằm tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong hoạt động ĐMST. 11 tổ chức và cá nhân đã được nhận Giải thưởng ở 4 nhóm đối tượng, trị giá 50 triệu đồng/giải.

Nhóm 1 - Doanh nghiệp KN ĐMST

Công ty Cổ phần vé xe rẻ: Với giải pháp mua vé xe khách trực tuyến, Công ty cổ phần VEXERE đã kết nối hơn 2.000 nhà xe và bến xe trong cả nước, cung cấp hơn 5.000 tuyến đường. Trung bình, mỗi ngày có gần 150.000 vé được bán thông qua hệ thống VeXeRe.

Công ty TNHH FreelancerViet: Với nền tảng kết nối nhân lực tự do - FreelancerViet đã giúp nhà tuyển dụng tìm được nhân sự ngắn hạn, muốn làm thêm để tăng thu nhập bằng cách kết nối qua website, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, blockchains và không thu phí giao dịch.

Công ty Cổ phần EKID Studio: Dựa trên phương pháp giáo dục Phản xạ - Lặp lại - Ghi nhớ, Startup này cung cấp đồ chơi, giáo cụ thông minh với với công nghệ AR (thực tế ảo tăng cường). Các sản phẩm EKID được tích hợp công nghệ tăng cường thực tế ảo, khi người dùng soi camera vào các thẻ hình, những hình ảnh động sẽ xuất hiện cùng với phát âm Tiếng Anh hoặc Tiếng Việt. Khi sử dụng EKID, trẻ em không cần đeo kính, nên an toàn cho thị lực đồng thời kích thích tư duy và sáng tạo của trẻ nhỏ.

BTC trao giải cho doanh nghiệp
BTC trao giải cho doanh nghiệp KN ĐMST

Nhóm 2 - Giải pháp ĐMST

WEBGIS – Hệ thống quản lý thông tin hiệu quả bệnh truyền nhiễm trên địa bàn thành phố (Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM), giúp xác định vị trí ca bệnh và khoanh vùng dịch một cách chính xác đến tận từng tổ dân cư. Dựa trên bản đồ dịch tễ chung của cả thành phố, hệ thống có thể tự động xác định tổ, khu phố nằm trong phạm vi ổ dịch. Nhờ vậy các nhân viên chống dịch có thể dễ dàng xác định các điểm nóng của vùng dịch để có biện pháp ưu tiên xử lý. Công cụ còn xây dựng được mô hình lây lan của các ổ dịch, giúp đánh giá tình hình của từng ổ dịch theo đặc điểm của từng phường, xã, quận, huyện. Đến nay, 319 phường xã đã áp dụng hệ thống trong công tác ứng phó và ngăn ngừa dịch bệnh; đã kết nối 79 bệnh viện với 349 tài khoản người dùng và lưu trữ hơn 43.000 ca bệnh.

Ứng dụng CNTT trong giám sát, xử lý trật tụ lòng lề đường trên địa bàn Quận Bình Thạnh: Sau hơn 1 năm vận hành, hơn 10.000 lượt người dân đã tải ứng dụng để phản ánh thông tin vi phạm về chính quyền quận. Nhờ đó, gần 4.000 trường hợp đã bị xử phạt với số tiền trên 2 tỷ đồng. Trong thời gian 2 giờ kể từ khi nhận tin phản ánh, UBND phường phải cử ngay lực lượng xử lý đến địa điểm vi phạm.

Nhóm 3 - Tác phẩm Truyền thông có tác động tích cực đến cộng đồng khởi nghiệp

Dịch vụ công trực tuyến chuyển mình: Tác giả Di Lâm – Báo SGGP. Với phóng sự này, tác giả đã cho thấy bức tranh đổi mới sáng tạo mạnh mẽ. Trong đó, chỉ tính riêng năm 2017, số người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại TPHCM tăng gấp 3,6 lần so với năm trước đó.

Qui trình báo động đỏ trong cấp cứu người bệnh: Nhóm tác tác giả Lê Nhật Thành, Tạ Ngọc Nhung, Hồ Tùng Duy, Truyền hình Nhân dân. Với tác phẩm này, nhóm tác giả đã giới thiệu một giải pháp rất sáng tạo của ngành y tế trong việc cấp cứu nội viện và liên viện, nhờ đó đã cứu được hàng trăm bệnh nhân trong 2 năm qua.

Dạy khởi nghiệp thế nào cho hiệu quả: Tác giả Vũ Tuấn Anh – Thời Báo Kinh tế Sài Gòn. Bài viết đã đưa ra những phân tích nhận định về chủ trương đào tạo khởi nghiệp trong các trường đại học, nhằm khuyến khích sinh viên khởi nghiệp, kiến tạo doanh nghiệp.

3 đơn vị nhận được giải
3 đơn vị nhận được giải ở Nhóm 4

Nhóm 4 - Tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cho hoạt động khởi nghiệp ĐMST

Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao (SHTP-IC): Trải qua 12 năm, đơn vị này đã ươm tạo nên những doanh nghiệp công nghệ mang thương hiệu Việt Nam. Đến nay, đã có 54 dự án đã và đang ươm tạo, thu hút hơn 300 lao động có trình độ cao. Tổng doanh thu của các dự án hàng năm đạt 15-20 tỷ đồng.

Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TPHCM (BSSC): Sau hơn 8 năm thành lập (2010), đơn vị này đã thẩm định và tư vấn hơn 6.000 doanh nghiệp; trợ giúp hơn 1.000 dự án, đồng thời giải ngân gần 100 tỷ đồng. BSSC cũng tổ chức đào tạo cho hơn 15.000 người về khởi sự kinh doanh tại Việt Nam.

Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM (ITP): ITP đang là nơi làm việc của hơn 700 người và 300 sinh viên thực tập mỗi năm. Trung tâm này đã hỗ trợ hơn 60 startup, trong đó có 2 start-up đã được định giá 1 triệu USD. Trong số đó, sinh viên sáng lập và đồng sáng lập các start-up chiếm gần 10%.

BTC trao giải
BTCHIST 2018 trao giải cho 5dự án xuất sắc nhất

Cùng ngày, Cuộc thi HIST 2018 do Sở KH&CN phối hợp với Sở Du lịch TP.HCM tổ chức cũng đã trao giải cho 5 dự án xuất sắc nhất (20 triệu đồng/giải) gồm:

SaveMoney: Số hóa vé giấy tại các khu du lịch thành vé điện tử, cung cấp giải pháp trọn vẹn, trong đó có ứng dụng web và IoT, để quản lý vé điện tử ở các khu du lịch.

Cheep Cheep: Đặt vé tham quan, trải nghiệm du lịch ở Việt Nam và các nước Châu Á.

Công ty CP Đi chung: Dịch vụ đi chung xe, có ứng dụng công nghệ thông tin.

Virtual Desire Events – VDEs: Số hóa các địa điểm tổ chức sự kiện, sử dụng công nghệ thực tế ảo để ghi hình tất cả các địa điểm, giúp người dùng khảo sát được địa điểm ngay tại nhà, tiết kiệm 80% thời gian và 30% chi phí.

My Guide: Ứng dụng trên điện thoại di động như một hướng dẫn viên ảo.