Sở KH&CN TPHCM vừa đề xuất hai nhóm lĩnh vực công nghệ có thể tham gia thử nghiệm có kiểm soát, trong đó có xe điện không người lái, drone, robot tự hành...

Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM được Quốc hội thông qua ngày 24/6/2023. Trong đó, cho phép Khu Công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố được thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới.

Sở KH&CN TPHCM đã xây dựng dự thảo Nghị quyết về quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới tại các khu vực nói trên. Dự thảo quy định hai nhóm lĩnh vực công nghệ có thể tham gia thử nghiệm có kiểm soát.

Nhóm 1 gồm các sản phẩm, giải pháp công nghệ không dây LoRaWAN, Wifi-Halow, xe điện không người lái, các giải pháp công nghệ số có sử dụng drone.

Nhóm 2 gồm các ngành Trí tuệ nhân tạo; Điện toán đám mây, điện toán lưới, điện toán biên, công nghệ phân tích dữ liệu lớn; Internet vạn vật, công nghệ không dây; Thực tế ảo, thực tế tăng cường, thực tế trộn ảo và tăng cường (MR); Công nghệ chuỗi khối, công nghệ an ninh mạng thông minh; Robot tự hành, robot cộng tác, phương tiện không người lái, phương tiện tự hành dưới nước; Công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống vi cơ điện tử (MEMS), hệ thống nano cơ điện tử (NEMS), cảm biến sinh học, cảm biến thông minh, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE); Công nghệ in 3D tiên tiến, công nghệ chế tạo vật liệu nano; Lĩnh vực công nghệ sinh học (trừ các sản phẩm, giải pháp thử nghiệm trên người).

T
Máy bay không người lái là một trong những giải pháp công nghệ được tham gia thử nghiệm có kiểm soát. Ảnh: Internet

Các giải pháp công nghệ mới có những nội dung kỹ thuật và nghiệp vụ hoàn toàn chưa được quy định tại bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào, hoặc đã được quy định nhưng có thể cắt giảm thủ tục cấp phép trong phạm vi thử nghiệm. Đồng thời, đây phải là giải pháp cần thiết, an toàn, hữu ích, khả thi và mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho TPHCM.

Các giải pháp sẽ được hỗ trợ mặt bằng, cơ sở hạ tầng trong khu công nghệ cao, khu thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo của TPHCM trong quá trình thử nghiệm. Các đơn vị sẽ được hỗ trợ tối đa 30% tổng kinh phí thử nghiệm từ ngân sách KH&CN của TPHCM.

Tại tọa đàm lấy ý kiến các chuyên gia về "Quy định các tiêu chí, lĩnh vực thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới trong khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn TPHCM", do Sở KH&CN TPHCM tổ chức ngày 16/8, TS. Dương Như Hùng, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, cho rằng, Thành phố cần xây dựng những tiêu chí cụ thể để đánh giá các sản phẩm, giải pháp công nghệ mới thật sự mang lại hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố, để có cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp.

Theo PGS.TS Võ Trí Hảo, nguyên Trưởng khoa Luật, Trường đại học Kinh tế TPHCM, các sản phẩm, giải pháp cần được làm rõ các rủi ro, trước khi được phép triển khai thực hiện theo cơ chế Sandbox, đặc biệt là các rủi ro về an ninh quốc phòng. Doanh nghiệp phải mô tả chi tiết, cụ thể tính hiệu quả của giải pháp, công nghệ. Đồng thời, đánh giá các khả năng rủi ro và cam kết không ảnh hưởng đến cộng đồng, xã hội.

Sở KH&CN TPHCM đang tiếp tục nhận ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp về quy định thử nghiệm một số giải pháp công nghệ có kiểm soát, để hoàn chỉnh dự thảo.

Cũng nhằm triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15, từ tháng này, TPHCM bắt đầu miễn thuế thu nhập cho các tài năng KH-CN và nhà đầu tư vào startup.