Các khu công nghệ cao đang mong muốn được thử nghiệm chính sách (sandbox) trong thời gian chờ đợi sửa Luật Công nghệ cao cho phù hợp thực tiễn.
Ngày 24/3 tại TPHCM, Bộ KH&CN đã tổ chức hội thảo “Mô hình, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển khu công nghệ cao của Việt Nam”, nhằm trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời thảo luận những chính sách thúc đẩy phát triển khu công nghệ cao trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, thời gian qua Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách thúc đẩy hiệu quả thu hút đầu tư vào các khu công nghệ cao như thuế, đất đai, đầu tư… Hiện nay, Bộ đang hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về khu công nghệ cao để sớm xin ý kiến thành viên Chính phủ. Dự thảo tập trung tháo gỡ nhiều vướng mắc như thủ tục thành lập, mở rộng khu công nghệ cao, cơ cấu tổ chức, thẩm quyền, vấn đề ủy quyên, tiêu chí thu hút doanh nghiệp… nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn, thúc đẩy xây dựng phát triển các khu công nghệ cao trong bối cảnh pháp luật chuyên ngành thay đổi nhiều từ lúc Luật Công nghệ cao ra đời năm 2008.
Bộ trưởng cũng nhìn nhận, thực tế việc quản lý nhà nước tại khu công nghệ cao rất rộng, nhiều lĩnh vực, nên phạm vi điều chỉnh nhiều luật khác nhau. Vì vậy, còn nhiều vấn đề chưa thể giải quyết trong một Nghị định mà Bộ đang hoàn thiện. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các bộ ngành địa phương và khu công nghệ cao nghiên cứu, đề xuất chủ trương thử nghiệm chính sách (sandbox) đối với khu công nghệ cao để trình Chính phủ, Quốc hội, trong thời gian chờ đợi sửa Luật Công nghệ cao cho phù hợp thực tiễn.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo để hoàn thiện các cấp thẩm quyền các giải pháp chính sách nhằm phát triển các khu công nghệ cao trong thời gian tới, để hình thành hệ sinh thái khu công nghệ cao với ba cấu phần quan trọng, gồm phòng thí nghiệm, doanh nghiệp, hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp tạo điều kiện thúc đẩy các khu công nghệ cao trong tương lai”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, sự phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ thế giới, cùng với mô hình đầu tư tài chính mới, các công nghệ cách mạng 4.0, nhiều điểm trong Luật Công nghệ cao không còn phù hợp, không tạo ra sự thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Do vậy, mô hình pháp lý cho khu công nghệ cao mới cần điều chỉnh cho hoạt động này. Khu công nghệ cao phải là nơi thử nghiệm đầu tiên các công nghệ mới nhất như 5G, xe tự lái…
Ở góc độ địa phương, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho rằng, để tạo cơ chế hoạt động cho các khu công nghệ cao, cần sửa đổi nhiều luật. Lãnh đạo TP HCM đề nghị Bộ KH&CN kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cơ chế sandbox về chính sách phát triển khu công nghệ cao sớm nhất để ban hành Nghị quyết về việc này. “TP HCM trong thẩm quyền, trách nhiệm của mình sẽ cùng với Bộ KH&CN và các địa phương chia sẻ trong đề xuất chính sách cho khu công nghệ cao”, ông Mãi nói.