Ngày 2/12 tại Hà Nội, Bộ KH&CN phối hợp với Ủy ban Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc UNESCO và Liên minh châu Âu EU tổ chức Hội thảo Khoa học mở: Xu hướng hiện nay và vai trò của hợp tác quốc tế trong việc thúc đẩy nghiên cứu tại Việt Nam.

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm. Nguồn: MOST
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm. Nguồn: MOST

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh, với vai trò là cơ quan điều phối Tiểu ban Khoa học Tự nhiên thuộc Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ KH&CN đã thúc đẩy Khuyến nghị về Khoa học mở của UNESCO và đưa khoa học mở thành một phần của Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã phát triển các cơ sở dữ liệu nhằm hỗ trợ hoạt động khoa học mở tại Việt Nam, gồm: xây dựng các cơ sở dữ liệu về nhiệm vụ KH&CN Việt Nam, các công bố KH&CN Việt Nam; phát triển các phần mềm hỗ trợ việc kết nối, quản lý và chia sẻ dữ liệu khoa học từ các nhà xuất bản quốc tế; hỗ trợ đào tạo và nâng cao năng lực cho các nhà khoa học và sinh viên về khoa học mở; đồng thời, kết nối các bên liên quan, chia sẻ kiến thức và nâng cao nhận thức về các nguyên tắc của khoa học mở.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, nhận thức về khoa học mở ở Việt Nam vẫn còn hạn chế và đang phải đối mặt với nhiều thách thức như cân bằng tính minh bạch với việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; sự tham gia hạn chế của khu vực tư nhân; thiếu các tiêu chuẩn chung cho các kho dữ liệu nghiên cứu... khiến các nhà nghiên cứu ngần ngại khi công bố các công trình nghiên cứu trên các tạp chí truy cập mở. Bên cạnh đó, việc chuyển chi phí xuất bản cho tác giả cũng tạo ra rào cản, đặc biệt đối với các nhà khoa học ở các tổ chức có nguồn lực hạn chế.

Thứ trưởng khẳng định, khoa học mở mang lại cơ hội to lớn để thúc đẩy hợp tác quốc tế, đổi mới sáng tạo và công bằng trong nghiên cứu, do đó Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế của UNESCO và EU để có thể giải quyết những thách thức này.

Tin đăng KH&PT số 1321 (số 49/2024)