Làm thế nào mà thằn lằn bay trở thành những kẻ khổng lồ thống trị bầu trời tiền sử? Một phát hiện hóa thạch mới có thể giúp chúng ta sáng tỏ quá trình tiến hóa của loài khủng long đặc biệt này.
Một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế, đứng đầu là Tiến sĩ David Hone, nhà cổ sinh vật học của Đại học Queen Mary (London), đã xác định được loài mới có tênSkiphosoura bavarica (nghĩa là đuôi kiếm từ Bavaria). Cái tên này xuất phát từ đặc điểm nổi bật nhất của nó chiếc đuôi ngắn, cứng, trông giống thanh kiếm. Skiphosoura bavarica có sải cách dài khoảng 2m.
Thằn lằn bay, họ hàng gần gũi của khủng long, là động vật có xương sống đầu tiên biết bay. Ban đầu, thằn lằn bay thường chỉ có sải cánh dài khoảng 2m, nhưng về sau, chúng đã phát triển hình thể khổng lồ với sải cánh lên tới 10m. Việc phát hiện ra Skiphosoura bavarica mang lại những thông tin quan trọng về quá trình biến đổi này.
Được phát hiện ở miền nam nước Đức, Skiphosoura là một bộ xương gần như hoàn chỉnh hiếm thấy, được bảo quản nguyên khung – một điểm tương phản đáng kể so với các hóa thạch họ hàng của nó thường ở trạng thái phẳng dẹp.
Hình ảnh giả định của Skiphosoura bavarica. Nguồn:Gabriel Ugueto.
Trong hai thế kỷ, các nhà khoa học đã chia các loài thằn lằn bay thành hai nhóm chính: loài không phải thằn lằn ngón cánh sơ khai (early non-pterodactyloids), có đặc điểm đầu ngắn, đuôi dài, với cấu trúc cánh và ngón chân đặc thù; và nhóm thằn lằn ngón cánh sau này có đầu to hơn, đuôi ngắn hơn, cùng những đặc điểm thích nghi khác để bay hiệu quả. Các loài trung gian, như Darwinopterus được phát hiện vào những năm 2010, cho thấy đầu và cổ tiến hóa trước tiên thế nào.
Skiphosoura đại diện cho một bước tiến hóa quan trọng hơn hẳn Darwinopterus. Đầu và cổ của nó trông giống thằn lằn ngón cánh tiến hóa hơn, còn phần cổ chi trước, đuôi và bàn chân của nó cho thấy các đặc điểm chuyển tiếp (trung gian giữa đặc điểm của tổ tiên và đặc điểm của con cháu sau này). Những đặc điểm này giúp các nhà khoa học theo dõi quá trình thích nghi dần dần, cho phép các loài thằn lằn bay sau này phát triển thành kích thước khổng lồ.
Trong nghiên cứu của nhóm Tiến sĩ David Hone, cây phả hệ tiến hóa của thằn lằn bay cũng được cấu trúc lại, đặt Skiphosoura giữa Darwinopterus và nhóm thằn lằn ngón cánh đích thực. Ngoài ra, một loài thằn lằn bay tên Dearc ở Scotland được xác định là trung gian quan trọng giữa thằn lằn bay sơ khai và Darwinopterus.
Kết hợp lại, những phát hiện này hình thành một chuỗi tiến hóa gần như hoàn chỉnh của thằn lằn bay, mô tả chi tiết kết cấu giải phẫu của chúng thay đổi thế nào qua thời gian.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Current Biology.
Nguồn: