Trong một công bố đầu năm nay của Kaustubh Thapa, ở Viện Nghiên cứu phát triển bền vững Copernicus, Utrecht, Hà Lan và các cộng sự cho thấy, Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến của rác thải nhựa từ các nước phát triển.
Công bố, trên tạp chí Circular Economy and Sustainability cũng ước tính, Việt Nam tái chế từ 9 đến 33% rác thải nhựa nhập khẩu, nhưng không phải tất cả đều đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững của quốc tế.
Nhiều năm nay, các nước Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Việt Nam, Ấn Độ và Malaysia vẫn là những địa chỉ nhập khẩu rác thải nhựa lớn nhất (nguồn xuất khẩu từ các nước giàu có như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh). Nhận ra gánh nặng chi phí xử lý môi trường quá lớn, Trung Quốc đã xiết lại, ra quy định cấm nhập khẩu chất thải, khiến rác thải nhựa chuyển hướng sang các điểm đến ở Đông Nam Á.
Theo đánh giá của cơ quan thống kê châu Âu Eurostat, rác thải nhựa của châu Âu được vận chuyển đến Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam đã tăng lên. Sau đó, lượng rác thải nhựa nhập khẩu vào Việt Nam và Malaysia đã có thời điểm tăng hơn 100%, buộc hai nước phải xem xét lại khuôn khổ pháp lý để siết lại nhập khẩu rác thải nhựa.
Việt Nam vẫn là điểm đến của rác thải nhựa từ các nước phát triển. Mặc dù hoạt động buôn bán rác thải nhựa có thể mang lại lợi nhuận cho một số doanh nghiệp và người lao động, nhưng thực chất lại chuyển trách nhiệm quản lý rác thải sang phạm vi rộng hơn (do không thể tái chế hết) và tiếp tục là nguồn thải ô nhiễm, có thể gây hại sức khỏe con người, cho môi trường và làm tăng gánh nặng chi phí quản lý, xử lý cho xã hội.
Bài báo đã đánh giá rằng “việc xuất khẩu rác thải nhựa đến các nơi không có đầy đủ năng lực tái chế đặt ra câu hỏi về tính công bằng và tính bền vững”.
Nghiên cứu cũng ước tính, 50% rác thải nhựa được thu gom ở châu Âu để tái chế được vận chuyển ra bên ngoài châu Âu để tái chế mà không được giải trình minh bạch.
Tin đăng KH&PT số 1321 (số 49/2024)
Bảo Như