Trẻ sinh non và nhẹ cân so với tuổi thai có điểm nhận thức và điểm học tập thấp hơn so với các trẻ khác, theo nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam và Mỹ. Tuy nhiên, trình độ học vấn của người mẹ và môi trường gia đình có thể góp phần cải thiện điều này.
Trong những thập kỷ qua, nhờ tiến bộ y học, tỷ lệ sống của trẻ sinh non (dưới 37 tuần tuổi) hoặc nhẹ cân so với tuổi thai (thuộc nhóm 10% nhẹ cân nhất) đã tăng đáng kể. Tuy nhiên, trẻ sinh non hay nhẹ cân so với tuổi thai vẫn dễ bị các biến chứng, trong đó có các rối loạn chức năng hệ thần kinh như rối loạn cảm xúc, tâm lý, hành vi và bại não. Các cơ quan chưa trưởng thành của trẻ sinh non, đặc biệt là não, dễ bị suy giảm thần kinh lâu dài, do đó ảnh hưởng đến khả năng nhận thức trong suốt cuộc đời. Bên cạnh đó, các bệnh lý thường gặp sau sinh như bệnh phổi, xuất huyết não, thiếu máu… cũng có khả năng làm tăng thêm nguy cơ suy giảm nhận thức.
Do vậy, một nhóm các nhà nghiên cứu ở Trường Đại học Y Dược thuộc Đại học Thái Nguyên đã hợp tác với các đồng nghiệp Mỹ thực hiện nghiên cứu để xác minh mối liên hệ giữa tình trạng sinh non hoặc nhẹ cân so với tuổi thai và nhận thức ở tuổi đi học của các em.
Nhóm sử dụng dữ liệu từ Thử nghiệm bổ sung vi dưỡng chất trước khi thụ thai (PRECONCEPT) được tiến hành ở 20 xã thuộc bốn huyện của tỉnh Thái Nguyên vào năm 2011. Đây là thử nghiệm nhằm xác định liệu việc bổ sung axit folic (hay còn gọi là vitamin B9), sắt và các vi chất dinh dưỡng khác hằng tuần trước khi thụ thai có đem tới kết quả khác biệt so với chỉ bổ sung các dưỡng chất này trong thời gian mang thai. Nhóm tác giả sử dụng dữ liệu về 1.579 ca sinh đơn được ghi lại từ thử nghiệm
Các mẫu được chia làm ba trường hợp: sinh non và bị nhẹ cân; sinh đủ tháng và bị nhẹ cân; và sinh đủ tháng và không bị nhẹ cân.
Chức năng nhận thức và thành tích học tập của trẻ được đo hai lần vào năm 2018 và năm 2022, khi trẻ ở độ tuổi 6-7 và 10-11.
Chức năng nhận thức được đánh giá qua Thang đo trí tuệ cho trẻ em Wechsler phiên bản thứ tư (WISC-IV), kiểm tra các khả năng như nói trôi chảy, hiểu và biết cách sử dụng từ; phán đoán hoặc giải thích tình huống/hành động; xác định điểm giống hoặc khác nhau giữa hai đối tượng hoặc khái niệm; xếp hình khối; chỉ ra đặc điểm chung giữa các hình vẽ; ghi nhớ chuỗi số; ghi nhớ trình tự chữ - số v.v. Kết quả được sử dụng để đánh giá các chỉ số bao gồm: chỉ số hiểu ngôn ngữ (VCI), đánh giá kiến thức tổng hợp; chỉ số suy luận tri giác (PRI), đánh giá khả năng suy luận quy nạp và tư duy định lượng; chỉ số trí nhớ ngắn hạn (WMI), đánh giá khả năng ghi nhớ thông tin mới; và chỉ số tốc độ xử lý (PSI), đánh giá tốc độ xử lý thông tin, khả năng bao quát, quét thị giác, phân biệt và sắp xếp dữ liệu hình ảnh theo trình tự. Chỉ số thông minh toàn diện (FSIQ) được tính bằng tổng điểm của các chỉ số trên, dao động từ 40 đến 160 điểm.
Thành tích học tập được đánh giá bằng bài kiểm tra Toán và tiếng Việt (đọc), mỗi bài có thời gian 45 phút, gồm 30 câu trắc nghiệm được xây dựng với sự tư vấn của các chuyên gia của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
Trẻ sinh non hoặc thiếu cân so với tuổi thai có điểm số thấp hơn ở bài kiểm tra toán, tiếng Việt, FSIQ và các chỉ số cụ thể. Ảnh: Nhathuoclongchau.com
Về mối quan hệ giữa kiểu hình khi sinh, kết quả cho thấy, ở độ tuổi 6-7 tuổi, điểm trung bình FSIQ của trẻ nhẹ cân, sinh non và sinh đủ tháng lần lượt là 85,8; 87,2; 88,7. Trẻ nhẹ cân còn thể hiện số điểm thấp nhất trong ba nhóm ở các chỉ số. Cụ thể, so với trẻ sinh đủ tháng, trẻ nhẹ cân thấp hơn từ 2,1 đến 3,7 điểm ở các chỉ số và thấp hơn 2,9 điểm ở tổng điểm FSIQ. Trong khi đó, trẻ sinh non cũng có điểm các chỉ số cụ thể thấp hơn trẻ sinh đủ tháng nhưng không đáng kể.
Trong độ tuổi 10-11, trẻ nhẹ cân thể hiện số điểm thấp hơn trẻ sinh đủ tháng ở cả FSIQ (thấp hơn 3,9 điểm) và các chỉ số cụ thể (từ 1,93 đến 3,7 điểm). Sự khác biệt của trẻ sinh non và trẻ sinh đủ tháng cũng rõ rệt hơn, cụ thể thấp hơn 3,4 điểm FSIQ, 3,1 điểm ở chỉ số PRI và PSI.
Có sự khác biệt ở cả môn Toán và tiếng Việt giữa ba nhóm trẻ. Điểm trung bình của trẻ trẻ nhẹ cân, sinh non và sinh đủ tháng lần lượt là 58,1; 61,4; 62,7.
Đặc biệt, nghiên cứu cho thấy, trình độ học vấn của mẹ có liên hệ tích cực đối với nhận thức và kết quả học tập của trẻ. Trẻ có mẹ có trình độ học vấn đại học hoặc sau đại học có điểm tiếng Việt cao hơn 13,9 và điểm Toán cao hơn 13,5. Tương tự, những trẻ này cũng có điểm FSIQ cao hơn 8,0 điểm ở độ tuổi 6-7 và 11,6 điểm ở độ tuổi 10-11; điểm các chỉ số cụ thể cao hơn từ 4-8 điểm.
Môi trường gia đình cũng là yếu tố tác động theo chiều thuận đối với nhận thức và thành tích học tập của các em. Trẻ sống trong môi trường gia đình tốt (khuyến khích, hỗ trợ) có điểm tiếng Việt cao hơn 6,8 và điểm Toán cao hơn 5,5. Các điểm FSIQ ở hai độ tuổi cũng cao hơn lần lượt là 5,1 và 5,8. Điểm các chỉ số cụ thể có sự chênh lệch từ 3-5 điểm.
Nghiên cứu đã được công bố trên The Journal of Nutrition.
Nguồn: