Những nghiên cứu của nhà độc chất học Alice Hamilton đã tạo nền móng cho các biện pháp bảo vệ sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc phổ biến hiện nay.

Alice Hamilton vào năm 1935, tại Hull House ở Chicago, nơi bà bắt đầu nghiên cứu về các bệnh nghề nghiệp. Nguồn: The New York Times
Alice Hamilton vào năm 1935, tại Hull House ở Chicago, nơi bà bắt đầu nghiên cứu về các bệnh nghề nghiệp. Nguồn: The New York Times

Alice Hamilton sinh ngày 27/2/1869 trong một gia đình giàu có ở thành phố New York và lớn lên tại Fort Wayne, Indiana (Hoa Kỳ). Được giáo dục tại gia cùng các anh chị em của mình, từ nhỏ, Alice Hamilton luôn nghĩ rằng mình phải “có trách nhiệm tìm ra những phương thức ý nghĩa để cống hiến cho nhân loại” - theo nhà viết tiểu sử Matthew Ringenberg, đồng tác giả của cuốn “The Education of Alice Hamilton: From Fort Wayne to Harvard”.

Do vậy, Hamilton muốn trở thành bác sĩ. Tuy nhiên, cha cô chỉ muốn các con học ngôn ngữ và văn học, chứ không quan tâm đến toán học và khoa học. Nhưng Hamilton vẫn quyết tâm theo học ngành y. Cô đã thuyết phục cha mình thuê gia sư dạy vật lý và hóa học.

Trong cuốn tự truyện của mình, Alice Hamilton viết rằng: “Tôi chọn [y học] vì với tư cách là một bác sĩ, tôi có thể đi bất cứ đâu tôi muốn, đến những vùng đất xa xôi hoặc đến khu ổ chuột trong thành phố, và hữu ích ở bất cứ đâu”. Nhưng sau đó, Hamilton nhận ra mình quan tâm đến hoạt động nghiên cứu hơn là trở thành bác sĩ, do vậy, cô đã theo đuổi chuyên ngành vi khuẩn học.

Alice học giải phẫu tại một trường y khoa ở Fort Wayne trong vòng một năm, rồi theo học Trường Y thuộc Đại học Michigan và lấy bằng vào năm 1893. Sau khi tốt nghiệp, Alice đã thực tập ở nhiều nơi, từ Bệnh viện Phụ nữ và trẻ em Northwestern, nghiên cứu về vi khuẩn và bệnh lý học ở Đại học Leipzig (Đức), cho đến Trường Y thuộc Đại học John Hopkins. Cuối cùng, Alice Hamilton trở về Đại học Northwestern ở Chicago với cương vị giảng viên tại Trường Y dành cho nữ sinh vào năm 1897.

Trong thời gian đó, Hamilton thường xuyên làm tình nguyện viên tại Hull House, một khu định cư ở phía Tây Chicago do nhà cải cách xã hội Jane Addams thành lập. Bà thấy cư dân nơi đây gặp phải nhiều vấn đề sức khỏe. Bà cho rằng nguyên nhân đến từ điều kiện sống và làm việc ở các nhà máy.

“Tôi đã nghe nhiều câu chuyện về những nguy hiểm mà những người lao động phải đối mặt, các trường hợp bị ngộ độc khí carbon monoxide trong các nhà máy thép lớn, về những người thợ sơn bị liệt do nhiễm độc chì, về bệnh viêm phổi và thấp khớp ở những người trong ngành chăn nuôi”, Hamilton viết trong tự truyện.

Khi Trường Y dành cho nữ thuộc Đại học Northwestern đóng cửa vào năm 1902, Hamilton chuyển sang công tác tại Viện Tưởng niệm về bệnh truyền nhiễm. Trong thời kỳ này, nghiên cứu về y học công nghiệp (bệnh liên quan đến nghề nghiệp) ngày càng được quan tâm vì cuộc cách mạng công nghiệp vào cuối thể kỷ XIX đã dẫn đến những mối nguy hiểm mới tại nơi làm việc. Khi xem xét các tài liệu, Hamilton nhận thấy y học công nghiệp không được quan tâm nhiều ở Hoa Kỳ. Với mong muốn thay đổi tình hình, bà đã xuất bản bài báo đầu tiên về chủ đề này vào năm 1908.

Thống đốc bang Illinois lúc đó là Charles Deneen rất ấn tượng với nghiên cứu của Hamilton, và đã bổ nhiệm bà vào Ủy ban Bệnh nghề nghiệp Illinois. Sau đó, thống đốc yêu cầu Hamilton tiến hành một nghiên cứu vào năm 1910 nhằm tìm ra mối liên hệ giữa các ngành công nghiệp sử dụng chì và tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao ở những người lao động.

Trong quá trình nghiên cứu, Hamilton phát hiện các nhà quản lý thích thuê những người đã có gia đình vì họ không dám bỏ việc. Dù bị nhiễm độc chì, người lao động vẫn cố làm việc để kiếm tiền nuôi gia đình. Các chủ nhà máy phản đối nghiên cứu của Hamilton và đã “cấm cửa” bà. Do vậy, Hamilton phải tìm bằng chứng từ nhiều nơi khác, bao gồm hồ sơ bệnh án ở các bệnh viện.

Kết quả nghiên cứu dẫn đến sự ra đời của một trong những luật về an toàn lao động đầu tiên ở Illinois - Luật Bệnh nghề nghiệp vào năm 1911. Luật này yêu cầu các doanh nghiệp phải đưa ra các quy trình an toàn giúp người lao động hạn chế tiếp xúc với chất độc, thực hiện kiểm tra y tế hằng tháng và thiết lập một hệ thống báo cáo bệnh tật. Sau đó, nhiều tiểu bang khác trên khắp Hoa Kỳ đã học hỏi cách làm của Illinois.

Năm 1919, Hamilton trở thành giảng viên nữ đầu tiên tại Trường Y thuộc Đại học Harvard. Dù các công trình nghiên cứu của bà rất nổi tiếng song Hiệu trưởng Harvard khi đó vẫn phải tìm cách thuyết phục Chủ tịch Đại học Harvard chấp nhận tuyển dụng Hamilton. Bởi lẽ, vào thời điểm đó, sinh viên nữ còn chưa được phép nhập học tại Harvard. Do vậy, sự kiện này đã thu hút nhiều sự chú ý. “Bà ấy không được phép sử dụng phòng chờ của giảng viên hoặc tham dự lễ tốt nghiệp. Nhưng bà ấy vẫn được chào đón nồng nhiệt”, Rachel Swaby viết trong cuốn sách “Headstrong: 52 Women who Changed Science-and the World”.

Khi Alice Hamilton gia nhập Trường Y của Đại học Harvard vào năm 1919, có rất nhiều nguy cơ mất an toàn tại nơi làm việc. Các ngành sản xuất của Mỹ đang trên đà phát triển và trên khắp Hoa Kỳ, rất nhiều công nhân thường xuyên tiếp xúc với vô số chất độc, tiêu biểu như chì, thủy ngân và amiăng. Hamilton hiểu rõ những rủi ro mà người lao động phải đối mặt hơn bất kỳ ai vào thời điểm đó. Bà đã nghiên cứu tác động của nhiều hóa chất đến sức khỏe người lao động, bao gồm thuốc nhuộm anilin , carbon monoxide , thủy ngân, radium , benzen , carbon disulfide và khí hydro sunfua…

Một trong những nghiên cứu đáng chú ý nhất của Alice Hamilton liên quan đến tình trạng nhiễm độc thủy ngân ở những người thợ làm mũ. Họ thường bị run rẩy, nói lắp, mất trí nhớ và khả năng nhận thức, cáu kỉnh, trầm cảm… Tình trạng này rất phổ biến trong thời kỳ đó, thậm chí còn có câu thành ngữ “điên như thợ làm mũ”. Thực chất, đây là các triệu chứng rối loạn tâm thần do nhiễm độc thủy ngân.

Năm 1934, Hamilton đã xuất bản cuốn sách “Độc chất học công nghiệp” - một tác phẩm mang tính đột phá trong lĩnh vực y tế công cộng. Năm 1946, bà hợp tác với nhà độc chất học công nghiệp Harriet Hardy, học viên mà bà đã hướng dẫn, để hiệu đính cuốn sách. Sau đó, cuốn sách được xuất bản với tiêu đề “Độc chất học công nghiệp của Hamilton và Hardy”. Cuốn sách vẫn còn giữ nguyên giá trị cho đến ngày nay với phiên bản thứ sáu được phát hành vào năm 2015.

Sau khi nghỉ hưu tại Harvard ở tuổi 66, Hamilton vẫn không ngừng nghiên cứu. Bà đã tìm hiểu tác động của carbon disulfide, một hợp chất được sử dụng trong quá trình sản xuất sợi nhân tạo viscose (rayon) đến người lao động, bao gồm các triệu chứng hưng cảm - trầm cảm, tê liệt, mất thị lực. Năm 1940, bà đã công bố bài báo về nhiễm độc nghề nghiệp trong ngành công nghiệp sợi nhân tạo.

Hamilton qua đời tại nhà riêng ở Hadlyme, Connecticut, vào ngày 22/9/1970, hưởng thọ 101 tuổi. Các biện pháp mà Hamilton khuyến nghị đã trở thành nền tảng cho các tiêu chuẩn an toàn lao động mà hiện nay chúng ta coi là hiển nhiên, đồng thời mở đường cho những người khác đấu tranh chống lại những tác nhân ô nhiễm công nghiệp, bao gồm Rachel Carson, người đã vận động chống lại DDT (một loại thuốc trừ sâu) nửa thế kỷ sau đó.

Nguồn: CNN, University of Michigan

Bài đăng KH&PT số 1321 (số 49/2024)