Theo nghiên cứu của nhóm tác giả ở Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cao chiết từ rễ và lá cây Dương đầu có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường typ2 và thừa cân béo phì.
Cây Dương đầu là một loại cây dược liệu, thường được sử dụng trong dân gian để chữa bệnh đái tháo đường. Cây chứa nhiều hợp chất có hoạt tính sinh học như Alkaloids, Flavonoid, Triterpenoid, Phenolic compounds,… có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, giảm đau, chống oxy, hỗ trợ hệ miễn dịch,… Các bộ phận như rễ, lá và vỏ cây thường được sử dụng để chữa một số bệnh như đầy hơi, khó tiêu, giảm đau, kháng viêm, nấm da, viêm da,…
Tại Việt Nam, cây Dương đầu mọc hoang dại, phổ biến ở vùng biển miền Trung Việt Nam. Cây dễ sống, có khả năng phát triển tốt trên các loại đất nghèo dinh dưỡng, kể cả đất cát hoặc đất đá ong.
Nhóm tác giả ở Khoa Công nghệ Hóa học và Thực phẩm, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, đã nghiên cứu thực hiện quy trình chiết xuất cao từ rễ hoặc lá cây Dương đầu trong phòng thí nghiệm để sản xuất dịch chiết Ethanol và cao chiết tổng với mục đích hướng đến sản xuất các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe con người.
Tại Hội thảo giới thiệu “Quy trình sản xuất cao chiếu từ cây Dương đầu, hỗ trợ điều trị đái tháo đường type 2 và thừa cân béo phì” do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TPHCM tổ chức ngày 5/12, PGS.TS Trịnh Khánh Sơn, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết, trên bột rễ khô cây Dương đầu, nhóm nghiên cứu đã phân lập được 16 hợp chất thuộc các nhóm phenolic glycoside, triterpenoit glycoside, dẫn xuất 1,2,3,4-tetrahydronaphtalen, hợp chất tropolon và nhóm hợp chất béo chứa liên kết ba. Trong số đó, có ba hợp chất đã được chứng minh khả năng ức chế α-glucosidase (enzyme có chức năng xúc tác quá trình phân hủy các liên kết glycosidic trong carbohydrate để giải phóng glucose), trong ống nghiệm tốt hơn Acarbose (thuốc dùng để kiểm soát lượng đường trong máu), gồm OLAX2, OI3 và OLAX5. Trong đó, OI3 là hợp chất thuộc nhóm triterpenoit glycoside, OLAX2 và OLAX5 là hợp chất béo dạng polyacetylenic alcohol.
Để sản xuất cao chiết, nhóm sử dụng rễ cây Dương đầu được rửa sạch, sấy khô, đạt độ ẩm dưới 12%, sau đó xay thành bột mịn. Bột rễ trộn cùng ethanol 96%, đưa vào máy siêu âm trong 90 phút, sau đó ly tâm tách bã, cô đặc chân không, rồi lạisấy đểthu cao chiết tổng. Ly tâm cao chiết tổng, thu cao chiết lỏng (không phân cực) và cao chiết sệt (phân cực). Làm tương tự để thu cao chiết từ lá.
Thử nghiệm trên các nhóm chuột nhắt trắng được cho ăn khẩu phần giàu béo, có bổ sung cao chiết từ cây Dương đầu, nhóm nghiên cứu nhận thấy, chuột được cho ăn lượng cao chiết càng nhiều thì các chỉ số TG (chất béo), TC (cholesterol), HDL-C (cholesterol tốt), LDL-C (cholesterol xấu) càng giảm.
Bên cạnh đó, chuột ăn chế độ giàu béo được bổ sung nhiều cao chiết hơn thì có cân nặng và chỉ số đường huyết thấp nhất.
Trong thử nghiệm khả năng dung nạp glucose, nhóm chuột sử dụng cao chiết có mức độ đường huyết tăng thấp nhất, tương đương với nhóm sử dụng thuốc điều trị đái tháo đường týp 2 Acarose.
Điều này chứng tỏ, cao chiết từ cây Dương đầu có khả năng giảm mỡ máu, trọng lượng, đường huyết ở chuột thí nghiệm. Sử dụng cao chiết càng nhiều thì các chỉ số này càng thấp. Ngoài ra, cao chiết còn có tác dụng giảm lượng mỡ tích trữ trong cơ thể và giảm tình trạng gan nhiễm mỡ.
Theo TS Sơn, quy trình chiết xuất cao từ rễ, lá cây Dương đầu đã được nhóm nghiên cứu đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Nhóm mong muốn hợp tác với các đơn vị để đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất các sản phẩm hỗ trợ điều trị đái tháo đường type 2 và thừa cân béo phì.