Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất đang “lúng túng" trước sự phát triển khôn lường của mạng xã hội.
Chiều 30/07/2019 tại Bộ KH&CN đã diễn ra hội thảo về tác động của mạng xã hội đối với cơ quan quản lý nhà nước và ứng xử của cán bộ công chức, viên chức trên mạng. Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh mạng xã hội đang ngày càng phát triển và trở thành nơi kết nối mạnh mẽ.
Theo thống kê của Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), đến giữa năm 2018 Việt Nam có khoảng 360 mạng xã hội của tổ chức, doanh nghiệp trong nước được cấp giấy phép và đang hoạt động, với khoảng 55 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm khoảng 57% dân số và chủ yếu tập trung sử dụng các mạng xã hội lớn như Facebook, Zalo, Instagram, YouTube, Tik Tok, …
Một khảo sát trên thế giới cho biết chúng ta bỏ ra 5,9 giờ để sử dụng các thiết bị điện tử, chạm vào điện thoại trung bình 2.617 lần mỗi ngày. Có 66% người thừa nhận cảm thấy bất an khi không thể truy cập được tài khoản mạng xã hội; 55% người cho biết mạng xã hội ảnh hưởng đến hành vi, 51% cho biết đó là hành vi xấu do ảnh hưởng của sự so bì bất công; 95% trẻ vị thành niên có dùng mạng xã hội khẳng định chứng kiến quấy rối trên mạng, 33% trong số đó từng là nạn nhân.
Mạng xã hội đã tạo nên những thay đổi về tâm lý và hành vi của con người, như cách thức giao tiếp trong cộng đồng, cách thức thể hiện hình ảnh bản thân,… Sự bùng nổ của thế giới số khiến những tiến bộ mới nhất của nhân loại có thể tiếp cận chỉ qua một cú click chuột/chạm màn hình. Chính vì có quá ít thời gian để nhìn nhận các nguồn tin, mạng xã hội đã gây ra lúng túng từ cả góc độ người dùng cũng như góc độ quản lý nhà nước.
“Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất đang “lúng túng" trước sự phát triển khôn lường của mạng xã hội,” ông Đỗ Thành Long - Giám đốc Văn phòng Các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia cho biết. Việc quản lý mạng xã hội là vấn đề nổi cộm mà cơ quan nhà nước phải đối mặt.
Một bộ phận người dùng hiện nay vẫn chưa có ý thức trong việc lắng nghe, chọn lọc thông tin trên mạng xã hội nhưng đã vội vàng chia sẻ, thể hiện quan điểm cá nhân một cách tiêu cực, dẫn đến sự hiểu lầm, lan truyền thông tin sai lệch
nhanh chóng, kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến cá nhân/tổ chức mà thông tin đó hướng đến.
Với kinh nghiệm là nhà báo, chuyên gia
truyền thông và xử lý khủng hoảng, ông Lê Quốc Vinh, Giám đốc Tập đoàn
truyền thông Le Media, cho rằng có một số biện pháp truyền thông có thể
áp dụng để kiểm soát và giảm thiểu những tác động tiêu cực của mạng xã
hội, như tăng luồng thông tin đa chiều, tăng tính đối thoại cộng đồng;
sử dụng các kênh truyền thông sở hữu để cập nhật thông tin liên tục và
minh bạch; tận dụng các công nghệ mới về phân tích dữ liệu, lắng nghe
mạng xã hội (social listening), đo đạc,… để nắm bắt thông tin; và phối
hợp truyền thông hiệu quả với các kênh báo chí chính thống để lan tỏa
những thông điệp một cách chính xác và uy tín.
Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Đỗ Thành Long cho rằng, các cán bộ công chức, viên chức, ngoài tư cách cá nhân thì việc tham gia mạng xã hội còn với tư cách là đại diện của các cơ quan, đơn vị tham gia trực tiếp vào xây dựng cơ chế quản lý mạng xã hội đó. Do vậy, các cán bộ cần am hiểu sâu hơn về mạng xã hội để sử dụng, quản lý hiệu quả.
Hội thảo cũng nghe nhiều trao đổi, thảo luận của các đại biểu về cách thức giải quyết khủng hoảng truyền thông đối với các cơ quan nhà nước, tiếp cận đến cộng đồng nhà khoa học, xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội, …