Chương trình truyền hình thực tế về khởi nghiệp Shark Tank vừa khởi động mùa 3. Các shark chia sẻ họ muốn gặp những gương mặt dám mơ đến những thứ chưa ai làm, dám làm những điều chưa ai nghĩ tới.
Nhờ sự phát triển của hệ sinh thái, số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp trong vài năm gần đây tăng lên đột biến và đã xuất hiện những gương mặt thành công trong việc gọi vốn triệu đô từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước để xây dựng công ty.
Tuy nhiên, ông
Nguyễn Ngọc Thủy - nhà đầu tư nhiều năm đi cùng Shark Tank – cho rằng những startups đi sau sẽ ngày càng phải có điểm đột phá cho sản phẩm hoặc mô hình kinh doanh của mình, với những khác biệt đủ lớn để định vị lại thị trường.
Đồng tình với quan điểm đó, “cá mập” mới tại Shark Tank 2019 ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam, nhấn mạnh các startup không thể cứ mô phỏng cách thức các doanh nghiệp “đại gia” đã thành danh mà phải tìm một hướng đi khác.
Thực tế ghi nhận ở Shark Tank sau 2 mùa gọi vốn đầu tiên cho thấy còn không ít nhà khởi nghiệp trẻ đang suy nghĩ khá “rập khuôn”. Bà Lê Hạnh - Giám đốc sản xuất Shark Tank - băn khoăn: “Cứ mùa trước có startup nhận được vốn đầu tư thì mùa sau lại có hàng chục startups sản xuất cùng loại sản phẩm đăng ký tham gia”.
Mặc dù Việt Nam là một nước có nền nông nghiệp lâu đời nhưng theo nhà sản xuất Chương trình, các doanh nghiệp đăng ký đến từ lĩnh vực nông nghiệp vẫn chỉ rất “thuần nông”, hầu như chưa tích hợp được hàm lượng công nghệ đáng kể trong mô hình kinh doanh hay sản phẩm làm ra.
“Chúng tôi rất mong gặp được dự án về nông nghiệp thông minh,” bà Hạnh bày tỏ. “Chúng tôi cũng không nhận được một đơn dự tuyển nào về giải quyết các thách thức ở khâu logistics cho nông sản trong khi đây lại là nhu cầu rất lớn của ngành nông nghiệp cả nước.”
Không chỉ các nhà đầu từ Shark Tank quan tâm đến vấn đề này mà các nhà đầu tư ngoài cũng rất chú trọng đến nông nghiệp. Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc công ty Vinamit và đồng thời là một trong những nhà đầu tư thiên thần coi trọng các startup sản xuất nông nghiệp, cho biết đây là một ưu thế của Việt Nam và hiện nhu cầu này đang bị bỏ trống trong khi rất ít doanh nghiệp khởi nghiệp thực sự tốt dám kiên trì theo đến cùng. Ông Viên hiện đang đầu tư lâu dài và làm cố vấn cho 5 startup trong lĩnh vực trên.
Các lĩnh vực phục vụ thành phố thông minh cũng là một hướng gợi ý cho nhiều startup. Mới đây, bộ Thông tin - Truyền thông vừa ban hành "Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0)" (
Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh) làm cơ sở cho các địa phương xây dựng, triển khai đề án về phát triển đô thị thông minh. Đây thực sự là cơ hội tốt để các startup mới dấn thân vào.
Theo thống kê từ ban tổ chức, mùa đầu tiên Shark Tank gọi được 116 tỷ đồng, và con số này đã tăng lên 206 tỷ trong mùa thứ hai. Mặc dù với nhu cầu hiện tại của startup thì những khoản tiền này cũng mới là “muối bỏ bể”, nhưng thông qua những chương trình như Stark Tank hay các cuộc thi về khởi nghiệp khác, điều startup thu được không chỉ là cơ hội đầu tư mà còn những bài học khởi nghiệp, mạng lưới quan hệ hay cơ hội quảng bá mình.