Một hiệu ứng phụ của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là nó làm giảm trao đổi và hợp tác nghiên cứu khoa học giữa hai nước này, khiến không chỉ dòng chảy chất xám mà cả tiền bạc đổ vào khoa học ngưng trệ. Hiệu ứng này tuy là phụ, nhưng đang bắt đầu tác động xấu đến môi trường đại học.

TS. Hồ Quốc Tuấn
TS. Hồ Quốc Tuấn

Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung lại có thể ảnh hưởng sát sườn đến đời sống của mình cho đến một ngày giữa tháng 4, đồng nghiệp gõ cửa phòng tôi và cho biết một trong những hội thảo về kế toán rất có tiếng ở khu vực châu Á, gọi là MIT Asia Conference in Accounting đã chuyển từ Trung Quốc sang Hong Kong vì cơ quan tổ chức - Đại học MIT (Massachusetts Institute of Technology) ở Mỹ lo ngại về những dự án hợp tác với Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung lan rộng ra khỏi lĩnh vực thuế quan và đang hướng đến nhiều khu vực khác.

Không lâu sau, phía MIT chính thức công bố cần phải xem xét lại tất cả các dự án hợp tác nghiên cứu với Trung Quốc vì những rủi ro trong việc phối hợp nghiên cứu với quốc gia này có tiềm năng tăng lên. Maria Zuber, Phó hiệu trưởng Phụ trách nghiên cứu của MIT cho biết sẽ chú ý đặc biệt đến các vấn đề sở hữu trí tuệ, kiểm soát dữ liệu và quyền con người trong đó. (Và đến giữa tháng 4 thì phía MIT cho biết sẽ xem xét lại các rủi ro này không chỉ với Trung Quốc, Hong Kong mà còn với Nga, và Ả Rập Saudi.)

Trước đó, từ cuối 2018 đến nay, nhóm trường đại học hàng đầu Mỹ gồm Đại học Princeton, Stanford, Ohio State và California at Berkeley đều đã từ chối nhận tiền tài trợ nghiên cứu từ Huawei Technologies. Lí do là họ lo ngại những rủi ro do căng thẳng chính trị Mỹ-Trung tạo ra và “các vấn đề an ninh quốc gia”.

Rõ ràng, các trường đại học ở Mỹ đã nhận được áp lực từ phía giới chính trị của Mỹ để phải xem xét lại vấn đề hợp tác với Trung Quốc. Không chỉ ở Mỹ, các trường đại học ở Anh cũng nhận được cảnh báo về những hợp tác nghiên cứu được nhận tài trợ từ Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực kỹ thuật, chẳng hạn như Đại học Oxford đã tạm thời dừng nhận tài trợ từ Huawei từ đầu tháng 1/2019.

Đổi lại, từ cuối năm 2018, tôi cũng nhận được rất nhiều chia sẻ từ các sinh viên Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội học lên thạc sĩ sau khi kết thúc chương trình cử nhân ở Đại học Bristol. Điều đáng chú ý là Mỹ đã không còn trở thành một điểm đến phổ biến của họ nữa, và đa phần đều hỏi tôi cho ý kiến về những trường ở Canada hay Anh hoặc châu Âu. Qua tiếp xúc với sinh viên và qua ý kiến từ những người đồng nghiệp giàu kinh nghiệm, tôi có thể cảm nhận thấy rõ ràng dòng chảy chất xám và tiền Trung Quốc sang Mỹ và ở chiều ngược lại là dòng chảy công nghệ và chất xám từ Mỹ sang Trung Quốc chắc chắn sẽ suy giảm.

Mặc dù những điều này ít nhiều được dự đoán trước, tôi cảm thấy có chút khó tin khi nó đang trở thành sự thật, và ở nhiều khía cạnh, nó là một tín hiệu xấu cho nghiên cứu khoa học trên phạm vi toàn cầu. Người ta nói nhiều về chuyện Trung Quốc đánh cắp công nghệ của Mỹ nhưng người ta phớt lờ một khía cạnh ngược lại của câu chuyện: nhiều nghiên cứu sẽ không thể tiến hành nếu không có tiền và chất xám của Trung Quốc.

Nếu bước vào một phòng thí nghiệm hay một phòng nghiên cứu sinh tiến sĩ của đại học ở Anh hay Mỹ ngày nay, bạn dễ nhận ra một phần đáng kể các công đoạn trong các nghiên cứu hàng đầu đang được thực hiện bởi các trợ lý nghiên cứu và các nghiên cứu viên sau tiến sĩ người Trung Quốc. Nếu không tin, hãy lên trang chủ của tạp chí Nature và thử đọc qua danh sách tác giả của các bài báo. Bạn sẽ không khó nhận ra rằng rất nhiều bài báo có các tác giả Trung Quốc trong đó. Họ đóng vai trò gì? Hoặc là hỗ trợ kiếm tài trợ cho dự án hoặc là những người trực tiếp thực hiện nghiên cứu. Các giáo sư và nhà khoa học hàng đầu của Mỹ sẽ thiết kế dự án nghiên cứu, định hướng nghiên cứu, nhưng phòng thí nghiệm của họ cần rất nhiều nghiên cứu viên làm những công việc mà những giáo sư này quá bận để làm. Người Trung Quốc đang chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong số đó, một lý do quan trọng là vì người bản xứ ở Mỹ và châu Âu rất ít chịu bỏ thời gian ra học tiến sĩ và sau tiến sĩ để theo đuổi sự nghiệp học thuật (tốn nhiều thời gian hơn, kiếm ít tiền hơn nhiều trong giai đoạn học tiến sĩ và giai đoạn đầu sau tiến sĩ so với ra đi làm ngay khi tốt nghiệp đại học).

Vì vậy, một hiệu ứng phụ của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là nó làm giảm trao đổi và hợp tác nghiên cứu khoa học giữa hai nước này, khiến không chỉ dòng chảy chất xám mà cả tiền bạc đổ vào khoa học ngưng trệ. Hiệu ứng này tuy là phụ, nhưng đang bắt đầu tác động xấu đến môi trường đại học ở Mỹ. Mất nguồn thu của sinh viên Trung Quốc, nhiều đại học Mỹ đang bắt đầu lao đao và có trường còn tuyên bố họ có thể khó mà tồn tại. Trong khi đó, các nước đang “hưởng lợi” từ dòng chảy sinh viên Trung Quốc vào nước họ cũng lo lắng vì không biết dòng chảy này có bền vững không. Nếu họ tăng cơ sở vật chất, đầu tư vào giáo viên dựa trên những dự đoán rằng những mức tăng trưởng ấn tượng về lượng sinh viên Trung Quốc nộp hồ sơ và nhập học trong năm qua, họ có thể bị đánh lừa nếu dòng chảy này đổi chiều chỉ sau vài năm.

Đồng nghiệp của tôi ở một trường đại học tốp 3 của Canada trong ngành tài chính – kế toán cho biết là lượng hồ sơ xin nhập học vào trường của anh tăng rất cao trong năm nay nhưng cả khoa lúng túng không biết nên đầu tư nguồn lực để nhận thêm bao nhiêu sinh viên (phía lãnh đạo đại học thì tất nhiên gây sức ép nhận thêm càng nhiều càng tốt để có thêm tiền trang trải chi phí hoạt động ngày càng đắt đỏ của đại học, nhưng phía giảng viên thì đương nhiên không muốn tăng áp lực giảng dạy - ở Anh, Mỹ hay Canada, dạy thêm nhiều lớp hay nhiều sinh viên không tăng thu nhập tương ứng như ở nhiều trường ở Việt Nam, nên giảng viên không có nhiều động lực để dạy thêm lớp).

Những ví dụ trên chỉ ra rằng, ngay cả trong một khuôn khổ nhỏ trong lĩnh vực đại học ta đã có thể thấy trong cuộc chiến thương mại này, không phải Mỹ thắng hay Trung thắng mà cả hai đều đang tổn thất. Đại học Mỹ sẽ mất nguồn lực (cả tiền và nhân lực nghiên cứu cấp thấp), mất cơ hội thực hiện dự án nghiên cứu, mất sinh viên (và đương nhiên là mất tiền). Trong khi đó, sinh viên Trung Quốc cũng mất đi cơ hội học tập và làm việc với những giáo sư giỏi nhất ở Mỹ. Về lâu dài, một nước nào đó sẽ hưởng lợi từ xu thế này, chẳng hạn cả giáo sư Mỹ và sinh viên Trung Quốc sẽ chạy sang nước đó làm nghiên cứu và học tập. Nhưng tính tổng thể, sự hiệu quả của hoạt động hợp tác nghiên cứu và trao đổi học thuật trên toàn cầu nhiều khả năng sẽ giảm đi. Và nhiều ốc đảo nghiên cứu có thể sẽ được thành lập, thay cho xu thế hợp tác toàn cầu như hiện nay. Thế giới không còn phẳng là hệ quả của các cuộc chiến tranh thương mại đang và sẽ còn diễn ra khi chủ nghĩa dân tộc và bảo hộ lên ngôi. Xung đột, thù ghét và chiến tranh (bất kể ở dạng nào) thì có bao giờ đem lại kết quả gì tốt đẹp đâu? Nhưng đôi khi nó là kết quả tất yếu khi một siêu cường nào đó đang trở thành một mối đe dọa quá rõ ràng cho những bên còn lại.