Ngày 21/12, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ SATI và trường Đại học VinUni đã ký biên bản ghi nhớ về việc cùng phát triển một số công cụ hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp và nhà quản lý.

Đại diện Bộ KH&CN và VinUni khởi động dự án xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo ngành ngày 21/12/2023. Ảnh: MOST
Đại diện Bộ KH&CN và VinUni khởi động dự án xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo ngành ngày 21/12/2023. Ảnh: MOST

Theo đó, hai bên sẽ triển khai ba nội dung chính, gồm: Tăng cường các khóa đào tạo tập huấn nâng cao năng lực quản lý khoa học công nghệ; Xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo cho các ngành, lĩnh vực; Triển khai giải pháp công cụ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Ngay sau lễ ký kết, hai bên đã khởi động dự án phát triển chỉ số đổi mới sáng tạo ngành Việt Nam.

TS Lê Mai Lan, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học VinUni, cho biết, vào thángSáu, nhóm nghiên cứu của trường dưới sự hướng dẫn của GS Soumitra Dutta, "cha đẻ" bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII, đã có công bố về nghiên cứu đổi mới sáng tạo ngành VIIR. Ba ngành được đánh giá năm 2023 là: Y tế (gồm bệnh viện và dược phẩm); Khách sạn; Cho thuê hương mại và bán lẻ.

Báo cáo VIIR này đã tạo cơ sở bước đầu, cung cấp ý tưởng về cơ sở khoa học và các thử nghiệm tiền khả thi để hình thành dự án về bộ chỉ số tiếp cận theo ngành.

Trên thực tế, Việt Nam đã áp dụng các chỉ số đổi mới sáng tạo GII ở cấp quốc gia và PII ở cấp tỉnh PII, nhưng chưa có cấp ngành.

Bộ chỉ số đổi mới GII do Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO xây dựng đã được áp dụng tại Việt Nam từ tám năm nay, với nhiều cải thiện về thứ hạng. Việt Nam đã tăng 30 bậc và đứng trong Top 50 thế giới, duy trì vị trí dẫn đầu trong nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp.

Trong khi đó, Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương PII đã được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng từ tháng 4/2023 và sẽ áp dụng vào năm 2024. Khi đó, Việt Nam sẽ là quốc gia thứ tư triển khai bộ chỉ số này. Hiện Ấn Độ và Trung Quốc là hai quốc gia đang sử dụng hiệu quả bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương.


Theo VinUni, mô hình nghiên cứu VIIR có một số khác biệt so với GII và các nghiên cứu trước đây về đổi mới sáng tạo, chẳng hạn như:
  • Đi sâu vào đánh giá đổi mới cấp ngành, sử dụng mô hình đánh giá toàn diện và nhiều lớp để so sánh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của toàn bộ nền kinh tế với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cụ thể của từng doanh nghiệp trong ngành.
  • Mô hình bao gồm các chỉ số đầu vào (bối cảnh, công nghệ, vốn nhân lực, lãnh đạo) và các chỉ số đầu ra của đổi mới sáng tạo (đổi mới kinh doanh, đổi mới xã hội và đổi mới môi trường).
  • Việt Nam được so sánh với 17 nước khác, trong đó có 6 nước thu nhập cao, 6 nước có thu nhập trung bình cao, và 5 nước có thu nhập trung bình thấp (chủ yếu trong khối ASEAN).
  • Dữ liệu được sử dụng để đánh giá hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia không chỉ có nguồn gốc từ cơ sở dữ liệu của Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII mà còn từ các cơ sở dữ liệu khác bao gồm Chỉ số sẵn sàng mạng NRI, Chỉ số năng lực cạnh tranh nhân tài toàn cầu GTCI và các nguồn quốc tế khác.
  • Dữ liệu được sử dụng để đánh giá hệ sinh thái đổi mới cụ thể của các doanh nghiệp trong ngành được lấy từ một cuộc khảo sát với hơn 500 nhà quản lý làm việc trong ba lĩnh vực: chăm sóc sức khỏe (bệnh viện và dược phẩm), khách sạn và Cho thuê thương mại bán lẻ.
Những phát hiện chính:

So với 17 quốc gia khác, kết quả cho thấy Việt Nam đứng đầu trong số các nước có thu nhập trung bình thấp và thứ 13 trong số 18 quốc gia được xếp hạng.

Cùng với Philippines, Việt Nam vượt qua nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp về đổi mới sáng tạo. Năng lực tạo ra đổi mới sáng tạo đột phá của Việt Nam đứng thứ 7 trong số các quốc gia được khảo sát, cạnh tranh ngang tầm với các nước thu nhập cao như Anh hay Thụy Sĩ, cho thấy tiềm năng của Việt Nam trong việc tạo ra nhiều ý tưởng kinh doanh dễ tiếp nhận thị trường.

Các khía cạnh xếp hạng thấp hơn của Việt Nam bao gồm đổi mới công nghệ và các đổi mới sáng tạo gắn với môi trường.

Xét về mức độ đổi mới sáng tạo trong ba ngành tại Việt Nam, báo cáo cho thấy lĩnh vực cho thuê thương mại và bán lẻ tỏ ra vượt trội, xếp hạng cao nhất trong số các ngành được khảo sát ở hầu hết các tiêu chí. Ngành chăm sóc sức khỏe dẫn đầu về đổi mới liên tục nhưng phải đối mặt với những thách thức liên quan đến tiêu tốn nguồn lực và đầu ra. Trong khi đó, lĩnh vực khách sạn cho thấy hiệu suất thấp hơn trên hầu hết các trụ cột nhưng cũng có một số ít doanh nghiệp đáng chú ý hoạt động hiệu quả.