Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho rằng, địa phương cần đóng vai trò chủ thể trong công tác tổ chức triển khai, thành lập, vận hành các trung tâm khởi nghiệp ĐMST, dựa trên nguồn lực nội tại và nhu cầu thực tiễn của mình.

Ngày 24/11, tại TPHCM, Sở KH&CN TPHCM phối hợp cùng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (NATEC), Văn phòng Đề án 844 tổ chức Diễn đàn Chính sách quốc gia phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, với chủ đề “Xây dựng chính sách phát triển hệ thống trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam”.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST Quốc gia và Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp TPHCM (TECHFEST-WHISE) 2023.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho biết, những năm gần đây, hệ sinh thái ĐMST cũng như các hoạt động khởi nghiệp ĐMST Việt Nam đã có những phát triển mạnh mẽ, nguồn đầu tư cho khởi nghiệp ĐMST tiếp tục tăng cao.

Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII mới được công bố tháng 10/2023, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo, tăng 2 bậc so với năm 2022 (từ 59 lên 57). Đầu ra đổi mới sáng tạo tăng 1 bậc so với năm 2022 (từ 41 lên 40). Việt Nam duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp, chỉ sau Ấn Độ.

Chỉ số xếp hạng của bảng xếp hạng các hệ sinh thái khởi nghiệp trên toàn cầu StartupBlink năm 2023 cũng cho thấy hệ sinh thái của các thành phố như Hà Nội và TPHCM có những bước cải thiện, đưa Việt Nam xếp hạng thứ 58 trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh phát biểu tại Diễn đàn.  Ảnh: HA
Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: HA

“Việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, mục tiêu cuối cùng là tạo ra môi trường thuận lợi để hình thành và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, tạo ra giá trị vượt trội cho kinh tế, xã hội”, Thứ trưởng Hoàng Minh nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng, nhiệm vụ này đã được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&CN là đầu mối thực hiện. Bộ KH&CN cũng đã có công văn hướng dẫn hình thành và phát triển trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các địa phương, bộ, ngành, tổ chức có tiềm năng phát triển KN ĐMST. Trong đó, nhấn mạnh việc hình thành trung tâm phải căn cứ vào nguồn lực nội tại và nhu cầu thực tiễn của địa phương, định hướng trung tâm trở thành hạt nhân của hệ sinh thái địa phương, đầu mối kết nối, khai thác các nguồn lực, liên kết vùng và quốc gia và quốc tế.

Thứ trưởng cho biết, hiện nay, trên cả nước đã hình thành nhiều đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST cả từ khu vực tư nhân, khu vực công và cả các tổ chức quốc tế, dưới nhiều mô hình rất phong phú. Điển hình như gần 20 địa phương đã và đang hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, gần 100 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh đã và đang hoạt động. Nhiều trung tâm khởi nghiệp ĐMST của quốc tế đã mở chi nhánh hoặc phối hợp mở các không gian đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

“Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, được giao trách nhiệm chủ trì triển khai KH&CN, đổi mới sáng tạo, Bộ KH&CN nhận thấy cần thiết phải có hành lang pháp lý, chính sách và các chủ thể hỗ trợ mạnh, cụ thể là các Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST làm hạt nhân để huy động, khai thác, liên kết và tối ưu hóa các nguồn lực trong hệ sinh thái ở địa phương, Trung ương, từ khu vực tư nhân và cả từ nước ngoài”, Thứ trưởng Hoàng Minh nói.

Diễn giả trình bày tham luận tại Diễn đàn.   Ảnh: HA
Diễn giả trình bày tham luận tại Diễn đàn. Ảnh: HA

Tại Diễn đàn, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp đã thảo luận, khuyến nghị những giải pháp và định hướng cho việc thành lập và phát triển hệ thống các tổ chức, các trung tâm khởi nghiệp ĐMST trên toàn quốc.

Cụ thể, ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Giám đốc Sở KH&CN Hải Phòng kiến nghị, các chương trình, dự án hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST từ nguồn ngân sách cần có cơ chế chấp nhận rủi ro. Bên cạnh đó, nên ưu đãi, miễn thuế đất đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST trong thời gian đầu thành lập. Đồng thời, giao khoán nhiệm vụ thông qua dịch vụ công, để triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST cho các trung tâm khởi nghiệp ĐMST.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CCN TP HCM, thì đề xuất mô hình trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST cần phát triển thành các cụm đô thị ĐMST, thay vì các trung tâm nhỏ lẻ như hiện nay của các địa phương. Theo ông Dũng, cụm đô thị này gồm nhiều tòa nhà phục vụ cho hoạt động nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, kết nối... Mô hình khu đô thị sáng tạo có thể thực hiện theo hình thức hợp tác công tư. Nhà nước có những tòa nhà cũ không sử dụng có thể cho tư nhân thuê với giá ưu đãi để thu hút họ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng NATEC, cho biết, hiện nay, trên cả nước đã hình thành nhiều đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST từ khu vực tư nhân, khu vực công và các tổ chức quốc tế. Cụ thể, cả nước có gần 20 địa phương đã và đang hình thành các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, gần 100 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Ngoài ra, còn có nhiều trung tâm khởi nghiệp ĐMST của quốc tế đã mở chi nhánh hoặc phối hợp mở các không gian đổi mới sáng tạo tại Việt Nam hoạt động. Tuy nhiên, các tổ chức này hoạt động chưa có tính thống nhất, còn manh mún.

"Chúng ta cần phải có hành lang pháp lý, chính sách và cơ chế hoạt động cụ thể để các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST địa phương hoạt động, phát huy được vai trò huy động, khai thác, kết nối và phát triển các nguồn lực trong hệ sinh thái khởi nghiệp tại địa phương, tạo thành một khối có hệ thống với Trung ương" - ông Quất đề xuất.

Đối với các địa phương, Thứ trưởng Hoàng Minh nhấn mạnh, địa phương cần đóng vai trò chủ thể của công tác tổ chức triển khai, thành lập, vận hành các trung tâm khởi nghiệpĐMST, với các hoạt động trọng tâm như là đầu mối cung cấp, hướng dẫn, hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệpĐMST, tổ chức các sự kiện phục vụ khởi nghiệpĐMST quy mô vùng.

“Địa phương cần đặt hàng các bài toán, thách thức của chính quyền địa phương cho cộng đồng KN ĐMST. Đồng thời, xây dựng chiến lược phát triển hệ sinh thái của riêng mình, trên cơ sở khai thác nguồn lực, thế mạnh của địa phương”, Thứ trưởng nói.