Trao quyền cho thanh niên, thiết lập các nền tảng để thanh niên nói lên tiếng nói của mình cũng như hiện thực hóa các ý tưởng là những việc có thể làm để tạo ra môi trường thuận lợi cho ĐMST.
Chiều 20/4, Bộ KH&CN đã tổ chức lễ hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo thế giới (21/4) với thông điệp “Đổi mới sáng tạo – Nền tảng thúc đẩy phát triển quốc gia hiện đại”. Đây cũng là một hoạt động trong chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam (18/5).
Đổi mới sáng tạo (ĐMST) ngày càng được coi là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở nhiều quốc gia. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Trong những năm gần đây, Nhà nước đã triển khai hàng loạt chính sách nhằm thúc đẩy KH&CN và ĐMST. Tiêu biểu như khuyến khích phát triển doanh nghiệp KH&CN, hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, đầu tư nghiên cứu thông qua các chương trình KH&CN cấp quốc gia, Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia...
Những nỗ lực này đã mang lại kết quả tích cực. Theo bảng xếp hạng Chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) năm 2022 do Tổ chức Sở hữu trí tuệ (WIPO) công bố, Việt Nam được đánh giá có năng lực ĐMST thuộc nhóm cao nhất trong số những quốc gia đang phát triển. Cụ thể, Việt Nam xếp thứ 48/132 quốc gia, đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á - sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đứng thứ 54 trên thế giới, đứng thứ 12 ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, những kết quả trên đã thể hiện tiềm năng, sức bật của Việt Nam trong bối cảnh quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, và các yếu tố kinh tế, chính trị trên thế giới đang diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên, Việt Nam cần phải thúc đẩy ĐMST hơn nữa nếu muốn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như đối phó với sự biến động về kinh tế, chính trị ngày càng gia tăng trên thế giới. Bởi lẽ, “những kết quả về ĐMST của chúng ta chưa thực sự bền vững, có một vài năm Việt Nam đã vươn lên top 3 trong khu vực, nhưng vẫn không ổn định bằng những quốc gia phía trên như Thái Lan”, bà Nguyễn Thị Phương Mai ở Học viện KH&CN và ĐMST nhận xét trong hội thảo.
Theo các chuyên gia, mấu chốt để cải thiện tình trạng này là tạo môi trường thuận lợi cho tất cả mọi người tham gia hoạt động ĐMST. “Chúng ta phải triển khai các chính sách nhằm cung cấp môi trường thuận lợi cho ĐMST, bao gồm việc trao quyền cho thanh niên, thiết lập các nền tảng để thanh niên có thể nói lên tiếng nói của mình cũng như hiện thực hóa các ý tưởng để từ đó có thể đóng góp tích cực hơn cho sự phát triển bền vững của Việt Nam”, ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nói.
Song song với đó, Việt Nam cũng phải nâng cao chất lượng giáo dục. Trong báo cáo chỉ số ĐMST năm 2022, Việt Nam còn yếu về nhóm giáo dục đại học, nhóm chỉ số bền vững sinh thái (năm 2022 giảm 18 bậc so với năm trước), nhóm chỉ số lao động có kiến thức, xuất khẩu và nhập khẩu công nghệ thông tin và truyền thông.
Việc hiện thực hóa các mục tiêu này đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống. “Việc thúc đẩy KH&CN và ĐMST cần trở thành kim chỉ nam cho hành động của cả quốc gia, cùng với sự tham gia của các cá nhân, tổ chức và các cơ quan nhà nước. Đây là một nhiệm vụ đầy thách thức, nhưng cũng là điều cần thiết để hướng tới một Việt Nam đổi mới, sáng tạo và phát triển”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhận xét.
Với mục tiêu nâng cao nhận thức về vai trò của đổi ĐMST, kể từ năm 2017, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày 21/4 là Ngày ĐMST thế giới. Năm 2022 là năm đầu tiên Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ KH&CN chủ trì tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày ĐMST thế giới. |