Liên minh Sáng tạo và Giải trí (The Alliance for Creativity and Entertainment - ACE) vừa gửi lời chúc mừng tới cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam PC03, sau khi người đứng đầu trang web phim lậu phimmoi.net bị khởi tố.
ACE là tổ chức lớn nhất thế giới trong lĩnh vực bảo vệ thị trường bản quyền kỹ thuật số. Liên minh này cho rằng việc bảo hộ sở hữu trí tuệ hiệu quả sẽ mang lại lợi ích cho ngành công nghiệp sản xuất nội dung của Việt Nam và quốc tế, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới, đầu tư và tăng trưởng kinh tế.
Ngày 24/8, trên trang thông tin chính thức của mình,
ACE đã đăng thông cáo chúc mừng động thái mới nhất của Việt Nam "khi Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03) đã xác định và chính thức hội kiến những người sáng lập và điều hành web lậu phimmoi.net như một phần bước đầu trong quá trình truy tố đang diễn ra".
phimmoi.net là trang web phát trực tuyến vi phạm bản quyền được truy cập nhiều nhất tại Việt Nam, với đỉnh điểm có thể lên tới hơn 69 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Trang web này đã bị chính phủ Mỹ liệt kê vào danh sách thị trường xấu ‘Notorious Markets List’ trong 2 năm qua.
Ước tính, website này có thể kiếm về 170.000 USD mỗi tháng chỉ riêng doanh thu quảng cáo, nhưng thiệt hại mà nó gây ra cho ngành sản xuất nội dung của Việt Nam và quốc tế có thể lên đến hàng chục triệu USD.
ACE nhấn mạnh, việc đánh cắp nội dung kỹ thuật số là mối đe dọa lớn nhất đối với cộng đồng nghe nhìn toàn cầu. Nó không chỉ gây hại cho các bộ phim và doanh nghiệp trong và ngoài nước, đe dọa đến việc làm và đầu tư của ngành công nghiệp này mà còn khiến người tiêu dùng gặp rủi ro như có nguy cơ nhiễm các phần mềm máy tính độc hại, và chính phủ giảm mức thu thuế.
Dù phimmoi đã bị khởi tố, nhưng ACE vẫn cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia có mức độ vi phạm bản quyền kỹ thuật số cao nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Một cuộc khảo sát tháng 3/2021 do nhóm nghiên cứu người tiêu dùng YouGov thực hiện cho thấy 60% người dùng Việt Nam truy cập các web xem phim hoặc torrent vi phạm bản quyền. Cùng với đó, 21% khách hàng Việt Nam sử dụng thiết bị phát trực tuyến bất hợp pháp (ISV) để theo dõi các chương trình truyền hình, video, nội dung có trả phí.
Việt Nam cũng là quốc gia Đông Nam Á duy nhất được khảo sát có sự gia tăng vi phạm bản quyền trong vòng 24 tháng qua.
Hồng Hạnh