Tốc độ tăng trưởng năng lượng sạch không theo kịp tốc độ tăng nhu cầu sử dụng điện trong nửa đầu năm 2021, dẫn đến điện than tăng và kéo theo lượng phát thải của ngành điện toàn cầu tăng vọt so với thời kỳ trước đại dịch - theo báo cáo mới của tổ chức nghiên cứu năng lượng Ember.
Báo cáo
Đánh giá Điện lực Toàn cầu của
Emberphân tích dữ liệu ngành điện lực từ 63 quốc gia chiếm 87% nhu cầu điện thế giới. Báo cáo so sánh sáu tháng đầu năm 2021 với cùng kỳ năm 2019, để cho thấy quá trình chuyển đổi điện đã thay đổi như thế nào khi thế giới phục hồi sau tác động của đại dịch vào năm 2020.
Theo báo cáo, lượng phát thải của ngành điện toàn cầu đã tăng trở lại trong nửa đầu năm 2021, từ mức thấp trong nửa đầu năm 2020 - lượng phát thải hiện cao hơn 5% so với mức phát thải giai đoạn trước đại dịch trong nửa đầu năm 2019.
Nhu cầu điện toàn cầu cũng tăng 5% trong nửa đầu năm 2021 so với trước đại dịch.
Không có quốc gia nào "phục hồi xanh" trong lĩnh vực năng lượng
Các quốc gia trong báo cáo được đánh giá dựa trên hai tham số: mức tăng/ giảm nhu cầu điện (thể hiện trên biểu đồ theo trục ngang) và mức tăng/giảm phát thải (trục dọc). Một quốc gia được coi là "phục hồi xanh" khi nhu cầu điện tăng nhưng mức phát thải vẫn giảm (góc dưới bên phải). Ngược lại, một quốc gia "phục hồi xám" khi nhu cầu điện tăng đồng thời phát thải tăng.
Nhiều quốc gia đã cam kết "gây dựng lại tốt hơn" và phục hồi nền kinh tế theo hướng “xanh”, hay giảm phát thải. Tuy nhiên, báo cáo mới cho thấy chưa có quốc gia nào thực sự đạt được "phục hồi xanh" trong ngành điện. Phục hồi xanh được coi là sự thay đổi cơ cấu ngành điện và lượng khí thải CO2 của ngành thấp hơn.
Mặc dù trong biểu đồ, Na Uy và Nga xuất hiện trong góc phần tư 'phục hồi xanh', nhưng điều này là do các yếu tố tạm thời - chủ yếu do lượng mưa lớn hơn giúp sản lượng thuỷ điện cao hơn - chứ không phải do những cải thiện đáng kể trong cơ cấu ngành điện.
Một số quốc gia bao gồm Mỹ, các nước trong khối EU, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt được mức phát thải CO2 trong ngành điện thấp hơn so với mức trước đại dịch, bằng việc thay thế một phần điện than bằng điện gió và điện mặt trời, nhưng chỉ trong bối cảnh nhu cầu điện ở các quốc gia này đang giảm.
Các quốc gia có nhu cầu điện tăng cao cũng có lượng khí thải cao hơn, do sản lượng điện than tăng. Các quốc gia "phục hồi xám" chủ yếu nằm ở châu Á, bao gồm Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Kazakhstan, Mông Cổ, Pakistan và Việt Nam. Đây là những quốc gia chưa giảm lượng khí thải và nhu cầu điện vẫn tăng.
Nhu cầu điện tăng nhanh nhất là ở Mông Cổ, Trung Quốc và Bangladesh, và điện than đáp ứng một phần lớn nhu cầu ở tất cả các nước này. Bangladesh là quốc gia duy nhất nơi năng lượng sạch không tăng trưởng. Việt Nam là quốc gia duy nhất 'phục hồi xám' có điện mặt trời và điện gió góp phần đáp ứng tất cả mức tăng nhu cầu điện, nhưng lượng phát thải CO2 của ngành điện vẫn tăng 4%.
“Chúng ta không gây dựng lại tốt hơn, chúng ta đang gây dựng lại một cách tồi tệ hơn, trong khi thế giới cần nhanh chóng chuyển đổi hệ thống điện trong thập kỷ này để hạn chế nóng lên toàn cầu ở dưới 1,5 độ C,” Dave Jones, lãnh đạo toàn cầu của Ember, cho biết.
Nguồn:
Media Climate Net, Ember