Châu Âu gần như đã cạn kiệt nguồn cung dầu ô liu nội địa và đang có nguy cơ thiếu hụt nhiều hơn, sau khi thời tiết nắng nóng khắc nghiệt hai năm liên tiếp gây thiệt hại cho vụ thu hoạch.
Hàng nghìn năm nay, cây ô liu vẫn được trồng quanh Địa Trung Hải, riêng Tây Ban Nha sản xuất một nửa nguồn cung dầu ô liu cho thế giới, nhưng những trận cháy rừng và sự gia tăng nhiệt độ mùa hè đang khiến tương lai của ngành này ngày càng thêm bất ổn.
Theo Hội đồng Ô liu Quốc tế, sau hạn hán và những trận sóng nhiệt hơn 40 độ làm ảnh hưởng đến sản lượng ô liu ở Tây Ban Nha, sản lượng toàn cầu được dự đoán sẽ giảm xuống 2,4 triệu tấn, thấp hơn so với vụ thu hoạch năm ngoái và thiếu khoảng 3 triệu tấn so với nhu cầu của toàn cầu. Thời tiết khắc nghiệt xảy ra ở các vùng sản xuất ô liu khác như Hy Lạp, Ý và Bồ Đào Nha cũng góp phần làm cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng.
Walter Zanre, Giám đốc Điều hành chi nhánh Filippo Berioở Anh, cho biết, công ty sản xuất dầu ô liu nổi tiếng này của Ý hiện vẫn còn hàng để đáp ứng nhu cầu giao hàng, nhưng đã buộc phải nhập khẩu dầu ô liu từ Chile để bù đắp sự thiếu hụt trước khi bắt đầu vụ thu hoạch trong tháng 10 tới đây.
Sản lượng vụ thu hoạch năm nay đã "tụt một quãng dài" so với các tiêu chuẩn trong lịch sử, Tây Ban Nha dự tính sẽ sản xuất 750 nghìn tấn - nhiều hơn so với con số 660 nghìn tấn năm ngoái, nhưng vẫn kém xa mức 1,3 triệu tấn như những năm trước đó.
"Chúng tôi lại phải gánh thêm một năm khó khăn nữa", Zanre nói, "Hồi đầu mùa hè, chúng tôi đã nghĩ tình hình có thể rồi sẽ ổn, nhưng sau khi mùa hè trôi qua, mọi thứ lại tệ hơn".
Thu nhập của nhiều nông dân cũng bị ảnh hưởng do mùa màng kém cùng với chi phí năng lượng và lao động tăng cao. Rafa Guzmán, một người trồng ô liu ở Jaén - cái nôi sản xuất ô liu của Tây Ban Nha - đồng thời là người đứng đầu Asaja, Hiệp hội Nông nghiệp lớn nhất Tây Ban Nha, cho biết một số nông dân đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản do hạn hán vẫn tiếp tục mang lại thiệt hại.
"Sản lượng ở đây giảm đến 70-80%" ông nói, "Một số người trồng ô liu thậm chí còn chưa thu hoạch nổi 1 kg. Ngay cả khi dầu ô liu được bán với giá 8 €/chai cũng không đủ để giúp họ trụ lại".
"Vẫn luôn có những vụ thu hoạch thất bát, giống như năm ngoái. Nhưng hai mùa thất bát nối tiếp nhau? Tôi đã 50 tuổi và làm công việc này cùng với bố mình từ khi còn nhỏ, nhưng tôi chưa từng thấy tình cảnh này bao giờ".
Hy Lạp dự kiến chỉ sản xuất 200 nghìn tấn trong năm nay, ít hơn ⅓ so với năm ngoái, do nắng nóng khắc nghiệt và các vấn đề về ruồi đục quả.
Manolis Yiannoulis, người đứng đầu Hiệp hội Dầu ô liu Hy Lạp, cho biết, người tiêu dùng đang chứng kiến giá dầu tăng "hơn gấp đôi".
Ông nói: "Chúng tôi đang ước tính tỉ lệ sản lượng sẽ bị giảm một nửa trong năm nay. Sự mất cân đối giữa cung và cầu dẫn đến việc giá đã tăng rất cao - điều mà các nhà sản xuất thích thú nhưng lại gây tổn hại cho người tiêu dùng."
Những lo ngại về tình trạng thiếu hụt đã khiến giá bán buôn tăng vọt. Giá dầu ô liu nguyên chất từ Andalusia, miền nam Tây Ban Nha, tăng lên 8,45 €/kg trong tháng Chín, cao hơn gấp đôi so với giá năm ngoái, và là mức cao nhất từng được ghi nhận ở Tây Ban Nha (dựa trên dữ liệu giá cả trong hơn 20 năm qua). Tình trạng này cũng làm cho giá bán lẻ dầu ô liu tại các siêu thị lớn ở Anh tăng 47%.
Tại Ý, hy vọng sản xuất được 350 nghìn tấn có lẽ đã bị dập tắt bởi thời tiết khắc nghiệt, bao gồm hạn hán và cả những trận mưa đá gần đây ở Puglia - vùng trồng chính, làm trái ô liu bị rụng. Ngoài ra, căn bệnh Xylella fastidiosa, được coi là "ebola của ô liu", cũng đã làm chết 6 triệu cây trong những năm gần đây.
Tunisia, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria mới đây đã ngừng xuất khẩu dầu, các nước này cố gắng bảo vệ sản phẩm chủ lực của địa phương khỏi sự tăng giá trên toàn cầu.
Zanre dự đoán tình hình sẽ còn trở nên xấu hơn trong những năm tới, do tình trạng cấp bách của biến đổi khí hậu có thể dẫn tới việc nóng hơn, khô hạn hơn và thêm nhiều diễn biến thời tiết khắc nghiệt hơn. "Có một vấn đề rất lớn về nước đang xảy ra", ông nói, "không chỉ ảnh hưởng tới ô liu mà tới toàn bộ các khu vực trồng trọt ở Địa Trung Hải".
Nguồn: