Thử nghiệm mô hình nuôi cá lăng nha trong lồng bè tại huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, cho thấy, thời tiết, khí hậu và mặt nước phù hợp và cho hiệu quả kinh tế cao, có thể nhân rộng trên toàn huyện nhằm tận dụng mặt nước hồ để nuôi trồng thủy sản.

Huyện Ea Kar có 53 hồ chứa với 1.750 ha diện tích mặt nước, là lợi thế lớn về nuôi trồng thủy sản. Mặt nước, khí hậu và sự phong phú của các giống loài thủy sinh vật, môi trường thủy hóa ở đây phù hợp và sinh trưởng tốt cho các đối tượng nuôi cá nước ngọt truyền thống và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá nheo mỹ,....

Trong đó, cá lăng nha là loại cá da trơn có tốc độ tăng trưởng nhanh, sống chủ yếu ở tầng đáy, thịt trắng, dai và thơm ngon, có giá trị kinh tế cao. Những món ăn được chế biến từ loại cá này rất được ưa chuộng, giá bán trên thị trường từ 130.000 - 150.000 đồng/kg. Cá lăng đã trở thành món ăn đặc sản của người dân, nhu cầu thị trường rất lớn, trong khi đó nguồn cung còn hạn chế.

Hiện nay, nhiều hộ dân ở Ea Kar đã biết tận dụng hồ thủy lợi, sông tự nhiên để nuôi cá lăng nha và một số loài thủy sản khác. Tuy nhiên, việc nuôi cá lồng bè ở đây còn tự phát, người dân nuôi theo kinh nghiệm, còn thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật áp dụng trong nuôi cá lồng bè. Vì vậy, nguồn ra chưa đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

m
Mô hình nuôi cá lăng nha tại Ea Kar. Ảnh: NNC

Thấy rõ tiềm năng và lợi thế trong nuôi trồng thủy sản địa phương, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Ea Kar đã triển khai mô hình ứng dụng các tiến bộ KH&CN nuôi cá lăng nha trong lồng bè trên hồ.

Phòng đã lựa chọn 2 mô hình tại xã Cư Ni, với quy mô 100m3, hỗ trợ 1.000 con cá giống, 1.800 kg thức ăn hỗn hợp cho cá (30% đạm), 20 lít chế phẩm sinh học BKC 80.

Các hộ được tập huấn quy trình nuôi cá lăng nha, qua đó có thể tự chăm sóc, theo dõi, xử lý nước nuôi cá hằng ngày, vệ sinh lồng bè,… Kết quả là trong điều kiện nuôi cá trong lồng bè từ con giống trên 10g/con, sau thời gian nuôi 12 tháng, mật độ thả 20 con/m3 cho tỷ lệ sống là 85%; cá sinh trưởng, phát triển tốt, trọng lượng bình quân 1,2kg/con.

c
Cá lăng nha. Ảnh: NNC

Ông Nguyễn Văn Hình, xã Cư Ni, huyện Ea Kar có diện tích ao khoảng 500m2. Ông thường nuôi một số loại cá như rô phi, diêu hồng, trắm,… Tuy nhiên, thu nhập nuôi từ loài cá này không cao. Sau khi được chọn làm mô hình thử nghiệm nuôi cá lăng nha, ông đã tiến hành cải tạo mặt nước và thực hiện các yêu cầu kỹ thuật theo hướng dẫn. Sau 1 năm nuôi, cá phát triển đồng đều, ít tốn công chăm sóc, hiệu quả kinh tế cao hơn (lợi nhuận tăng khoảng 30%), so với nuôi các loài cá khác.

Theo bà Lê Thị Quỳnh Nhung, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Ea Kar, qua mô hình nuôi thử nghiệm trên cho thấy, thời tiết, khí hậu và mặt nước trên hồ chứa ở huyện EaKar phù hợp với việc nuôi cá lăng nha. Để đạt hiệu quả kinh tế cao, người dân cần nắm kỹ và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nuôi, ngay từ khâu chọn giống, thức ăn, vệ sinh lồng bè, xử lý nước,… Mô hình nuôi cá lăng nha nói trên có thể nhân rộng trên toàn tại huyện EaKar.