Nhiều tỉnh thành như Ninh Thuận, Phú Yên, Tây Ninh, Bình Thuận, Gia Rai... đang chạy đua về điện mặt trời.
Ngày 25/6, Nhà máy điện mặt trời đầu tiên của Phú Yên mang tên Hòa Hội đã chính thức khánh thành. Nhà máy được xây dựng từ tháng 11/2018 trên diện tích 260 ha, công suất 256 MWp với tổng mức đầu tư hơn 4.900 tỷ đồng, do Tập đoàn Trường Thành Việt Nam và Công ty TNHH BGrimm Power của Vương quốc Thái Lan thực hiện.
Ngoài ra, dự án còn có sự tham gia của Viện Năng lượng – Bộ Công thương với tư cách đơn vị tư vấn; Tổng thầu CEEC của Trung Quốc và các nhà thầu thi công là Công ty cổ phần kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT), TEG; Giám sát thi công dự án là Công ty TNHH Poyry của Thụy Sỹ.
Dự án đã phát điện thương mại vào ngày 10/6 và được kỳ vọng sẽ góp phần vào đảm bảo an ninh năng lượng.
Phú Yên đang nổi lên như một địa phương thu hút mạnh mẽ các dự án điện mặt trời công suất lớn. Hiện địa phương có 6 dự án điện mặt trời được phê duyệt và đang triển khai.
Nhiều tỉnh cũng đang chạy đua với những dự án điện mặt trời khổng lồ. Tháng 4/2019 vừa qua, tại Ninh Thuận, Tập đoàn BIM Group cũng chính thức khánh thành cụm 3 nhà máy điện mặt trời và hòa lưới điện quốc gia với công suất 330 MWp, được xem là lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á tại thời điểm này. Trong khi đó, dự kiến cuối tháng 6/2019, Tổ hợp nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1, 2, 3 đang xây dựng tại Tây Ninh với công suất 420 MWp sẽ hoàn thành và trở thành nhà máy điện mặt trời lớn nhất Châu Á.
Hiện tại, điện mặt trời chỉ chiếm 0,01% tổng công suất phát điện của Việt Nam nhưng Chính phủ dự kiến sẽ đẩy con số này lên 3,3% vào năm 2030 và lên 20% vào năm 2050. Đây là một động thái mạnh trong việc chuyển hướng cơ cấu năng lượng – tăng năng lượng tái tạo, giảm điện than và các nhiên liệu hóa thạch của đất nước.
Ngô Hà