Nitơ đioxit từ phát thải giao thông, cho dù ở mức WHO cho phép, có thể là nguyên nhân chính gây ra các ca mắc hen suyễn mới ở trẻ em thành thị.

Tiếp xúc với nitơ đioxit, chủ yếu được phát ra từ phương tiện giao thông đường bộ, dường như là yếu tố gây rủi ro "đáng kể" gây ra hen suyễn, theo một nghiên cứu trên tạp chí The Lancet Planetary.

Nitơ đioxit chủ yếu bay vào không khí từ quá trình đốt cháy nhiên liệu. Nitơ đioxit hình thành từ khí thải từ ô tô, xe tải và xe buýt, nhà máy điện. Hít thở không khí với nồng độ nitơ dioxide cao có thể gây kích ứng đường thở trong hệ hô hấp của con người. Phơi nhiễm như vậy trong thời gian ngắn có thể làm nặng thêm các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là hen suyễn. Phơi nhiễm lâu hơn với nồng độ nitơ đioxit tăng cao có thể góp phần vào sự phát triển của bệnh hen suyễn và có khả năng làm tăng khả năng bị nhiễm trùng đường hô hấp. Những người mắc bệnh hen suyễn, cũng như trẻ em và người già thường có nguy cơ cao hơn đối với các ảnh hưởng sức khỏe của nitơ đioxit.

Trong số 194 quốc gia được nghiên cứu, Vương quốc Anh có tỷ lệ mắc hen suyễn ở trẻ em cao thứ 24, có thể là do ô nhiễm giao thông.

Các nhà nghiên cứu ước tính rằng 4 triệu trường hợp mới mắc bệnh hen suyễn ở trẻ em trên toàn cầu (13% trong tổng số những người được chẩn đoán mắc hen suyễn) có thể là do ô nhiễm nitơ đioxit. Cụ thể hơn, họ cho rằng ở Anh 19% các trường hợp hen suyễn ở trẻ em hàng năm là do ô nhiễm nitơ đioxit. Con số này còn tăng lên mức 23% ở Manchester và 29% ở London.

"Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng các sáng kiến chính sách nhằm giảm bớt ô nhiễm không khí từ giao thông cũng có thể dẫn đến cải thiện sức khỏe của trẻ em và cũng giảm khí thải nhà kính", tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Ploy Achakulwisut, từ Đại học George Washington, Hoa Kỳ, cho biết. "Các ví dụ gần đây bao gồm việc Thẩm Quyến điện khí hóa toàn đội xe buýt của họ; hay chính sách của London về Vùng phát thải cực thấp."

Từ trước đã có các ý kiến cho rằng ô nhiễm từ giao thông có thể làm hỏng đường thở, dẫn đến viêm và sự phát triển của bệnh hen suyễn ở trẻ em; đặc biệt là trẻ em vốn đã có xu hướng di truyền với bệnh hen suyễn.

Mặc dù không rõ chất gây ô nhiễm nào trong ô nhiễm không khí giao thông là nguyên nhân, các nghiên cứu trước đây đã đề xuất rằng nitơ đioxit là nguyên nhân chính; và phát thải giao thông có thể đóng góp tới 80% mức nitơ đioxit tại các thành phố.

Các nhà nghiên cứu trong nhóm của Tiến sĩ Ploy Achakulwisut đã sử dụng dữ liệu toàn cầu về nồng độ nitơ đioxit và tỷ lệ mắc hen suyễn để ước tính xem có bao nhiêu ca mắc hen suyễn mới ở trẻ em từ 1 đến 18 tuổi có liên quan đến ô nhiễm giao thông.

Trong số 194 quốc gia được nghiên cứu, Vương quốc Anh có tỷ lệ mắc hen suyễn ở trẻ em cao thứ 24, đây có thể là do ô nhiễm giao thông. Hàn Quốc đứng đầu danh sách, với gần một phần ba (31%) các chẩn đoán hen suyễn mới có liên quan đến phơi nhiễm nitơ đioxit.

92% các trường hợp hen suyễn ở trẻ em do phơi nhiễm ô nhiễm giao thông xảy ra ở những khu vực có nồng độ nitơ đioxit trung bình dưới mức hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ảnh: Báo Giao thông.

Nhóm nghiên cứu cho biết 92% các trường hợp hen suyễn ở trẻ em do phơi nhiễm ô nhiễm giao thông xảy ra ở những khu vực có nồng độ nitơ dioxide trung bình dưới mức hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 21 phần tỷ.

"Ô nhiễm nitơ dioxide dường như là một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với tỷ lệ mắc hen suyễn ở trẻ em ở cả các nước phát triển và đang phát triển, đặc biệt là ở khu vực thành thị", một trong các nhà nghiên cứu chính trong nhóm, Tiến sĩ Susan Anenberg từ Đại học George Washington, cho biết. "Phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng hướng dẫn của WHO về nồng độ nitơ đioxit trung bình hàng năm có thể cần phải được xem xét lại và nên đặt mục tiêu giải thiểu phát thải giao thông để giảm thiểu phơi nhiễm."

Tiến sĩ Penny Woods, giám đốc điều hành của Tổ chức Phổi Vương quốc Anh, cho biết: "Chúng tôi đã từng nghĩ rằng những nguy cơ lớn nhất với trẻ em là tai nạn trên đường". "Tuy nhiên, bây giờ chúng ta có thể thấy có nguy cơ khác gây tử vong không kém: hít phải mức độ ô nhiễm không khí bất hợp pháp và mắc một bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, hoặc lớn lên với phổi nhỏ hơn, yếu hơn".

"Ô nhiễm không khí là vô hình, vì vậy nó dễ bị bỏ qua - nhưng các nghiên cứu như thế này cho thấy rõ ràng không khí độc hại là mối đe dọa cấp bách, và chúng ta cần phải hành động."