Giám đốc kiêm đồng sáng lập Thinkzone Ventures cho biết đang kêu gọi các quỹ đầu tư, công ty luật tham gia Liên minh các quỹ đầu tư, góp phần thúc đẩy việc cải thiện cơ chế, chính sách đầu tư và quá trình trao đổi thông tin giữa các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp.

Tại hội thảo "Thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” do Văn phòng Đề án 844 phối hợp với UPGen Vietnam, ThinkZone Ventures tổ chức hôm 23/10 tại TP Hồ Chí Minh, bà Hoàng Thị Kim Dung - đại diện của quỹ đầu tư Nhật Bản Genesia Ventures tại Việt Nam, cho biết, quá trình giải ngân cho startup sau khi đã ra quyết định đầu tư thường mất ít nhất 6 tháng, cộng với thời gian startup chuẩn bị gọi vốn khoảng 12 tháng trước đó. Như vậy, tổng thời gian để một thương vụ diễn ra là gần 18 tháng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của startup. Vì thế, để startup tập trung vào phát triển kinh doanh, cần có một nền tảng chung cho các nhà đầu tư nội, ngoại, nhà đầu tư thiên thần hay tất cả các hình thức đầu tư khác trao đổi, thống nhất, giảm thiểu thời gian gọi vốn.

Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: BTC
Toàn cảnh buổi hội thảo. Ảnh: BTC

Trước thực trạng đó, ông Bùi Thành Đô - Giám đốc kiêm đồng sáng lập Thinkzone Ventures - cho biết đang kêu gọi các quỹ đầu tư, công ty luật tham gia vào Liên minh các quỹ đầu tư, với mục tiêu đem tiếng nói, nguyện vọng của thị trường đến cho những nhà hoạch định chính sách, để từ đó từng bước cải thiện môi trường đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam. Đây cũng là nơi mọi người chia sẻ thông tin về các thương vụ đầu tư, startup tiềm năng, từ đó thúc đẩy quá trình trao đổi thông tin trong hệ sinh thái.

“Liên minh sẽ phối hợp chặt chẽ với Đề án 844 để cùng nhau thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam,” ông Đô chia sẻ.

Tiềm năng gọi vốn sau dịch vẫn khả quan

Theo thống kê của Văn phòng Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam hiện có gần 100 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động, với khoảng 20 quỹ nội, còn lại là quỹ ngoại. Mỗi quỹ đầu tư lại có khẩu vị, mạng lưới, thế mạnh khác nhau, do đó startup cần tìm hiểu thật kỹ và phân nhóm nhà đầu tư tiềm năng theo định hướng và mục tiêu phát triển của mình.

Trong đó, quỹ ngoại thường có mạng lưới đối tác ở nhiều quốc gia khác nhau, có thể hỗ trợ startup trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh ra các thị trường bên ngoài. Quỹ nội thường có sự am hiểu sâu rộng về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, có đội ngũ nhân lực sẵn sàng hỗ trợ startup về các vấn đề pháp lý, kế toán, tài chính. Theo bà Dung, hiện nay, “quỹ nội và quỹ ngoại có xu hướng kết hợp nguồn lực với nhau để cùng đầu tư cho startup Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh Covid khi nhà đầu tư ngoại bị hạn chế di chuyển thì hình thức hợp tác này càng được đẩy mạnh”.

Gọi vốn vẫn luôn là bài toán khó của startup.
Gọi vốn vẫn luôn là bài toán khó của startup. Ảnh: INT

Các nhà đầu tư cũng thống nhất ý kiến rằng, dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi Covid-19 nhưng khả năng gọi vốn hiện tại vẫn rất cao, điều quan trọng là startup phải chuẩn bị kỹ. Việc chuẩn bị này theo ông Nguyễn Xuân Đông - Đồng sáng lập Startup Ecomobi - không phải chăm chăm làm đẹp hồ sơ, giấy tờ con số mà phải dành thời gian cho việc phát triển công ty, đảm bảo hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn. Một trong những lỗi rất lớn mà startup hay gặp phải là không đạt KPIs như trong bản thuyết minh gọi vốn, khiến startup bị đánh giá không tốt và dẫn đến kết quả không gọi được vốn thành công.