Mục đích của kế hoạch này nhằm đánh giá hiện trạng phát thải của phương tiện xe máy, làm cơ sở khoa học thực tiễn để xây dựng và thực thi các giải pháp cải thiện chất lượng không khí.
UBND Thành phố Hà Nội vừa chính thức ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện đo kiểm
khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn Thành phố.
Mục đích của
Kế hoạch này nhằm đánh giá hiện trạng phát thải của phương tiện xe máy làm cơ sở khoa học thực tiễn để xây dựng và thực thi các giải pháp cải thiện chất
lượng không khí và quản lý giao thông hiệu quả, cung cấp dữ liệu hỗ trợ các cơ quan trung ương ban hành những quy định, chính sách về kiểm soát khí thải giao thông.
Kế hoạch dự kiến được triển khai từ tháng 9/2021 nhưng có thể lùi thời gian tùy vào tình hình
dịch COVID-19. Số lượng được đo kiểm dự kiến khoảng 3.000 - 5.000 xe mô tô, xe gắn máy các hãng:
Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM.
Người dân Thủ đô được kiểm tra khí thải xe máy miễn phí khi chủ động mang xe đến 8 trạm kiểm định ở các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống
Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hà Đông và được các chuyên gia của các hãng tư vấn về tình trạng xe
và các giải pháp khác nhằm đảm bảo an toàn giao thông và hạn chế phát thải gây ô nhiễm môi
trường và sức khỏe.
Các phương tiện vẫn tiếp tục được lưu hành trên địa bàn thành phố sau khi
được kiểm tra và tư vấn.
Trong trường hợp xe không đạt tiêu chuẩn khí thải và chủ phương tiện muốn cải thiện tình hình xe máy của mình, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) sẽ hỗ trợ một phần chi phí
bảo dưỡng và phụ tùng thay thế cho xe.
Chia sẻ với Báo Khoa học & Phát triển, đại diện phụ trách truyền thông cho biết, "Kế hoạch này được thiết kế trên tinh thần tự nguyện. Mọi hoạt động từ đo kiểm - bảo dưỡng - thu gom xe cũ - đổi xe mới đều sẽ do người dân tham gia tự quyết và không mang tính bắt buộc hay cấm đoán."
Trên thế giới, đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng xe máy lưu hành từ 5 năm trở đi nên định kỳ kiểm tra khí thải 6-12 tháng/lần, vì nó có xu hướng phát thải chất ô nhiễm nhiều hơn và tiêu tốn nhiên liệu hơn.
Khí thải xe máy bao gồm nhiều chất độc hại cho sức khỏe như NOx, SOx, HC và CO. Các nhà nghiên cứu ở Đại học Kanazawa (Nhật Bản) thậm chí đã so sánh và kết luận rằng khí thải xe máy gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn và gây nguy hiểm hơn cho con người so với khí thải ô tô.
Tại châu Á, cái nôi của những chiếc xe máy, từ nhiều năm qua, một số quốc gia như Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ... đã triển khai các chương trình kiểm tra khí thải xe máy, để tiến tới kiểm soát khí thải và thắt chặt tiêu chuẩn khí thải cho phương tiện. Họ cũng triển khai các chương trình thu mua xe máy cũ và hỗ trợ chuyển đổi xe máy mới cho các phương tiện quá niên hạn (20 năm)
Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện đo kiểm khí thải xe máy trên diện rộng. Gần nhất, từ tháng 5 - 9/2020, TP.HCM đã tiến hành chương trình đo kiểm khí thải tương tự cho hơn 10.000 xe máy trong nội thành. Kết quả cho thấy phần lớn xe có tuổi đời sử dụng trên 5 năm đều không đạt chuẩn khí thải.
"Con số này rất quan trọng. Nó sẽ cho chúng ta biết đến ngưỡng thời gian nào thì xe máy sẽ phát thải nhiều chất ô nhiễm, từ đó các cơ quan quản lý có bằng chứng xây dựng được những quy định chính xác hơn về kiểm soát khí thải", đại diện truyền thông nói.
Người đại diện cho biết thêm, Tổng cục Môi trường vừa có công văn phản hồi về việc "rất ủng hộ kế hoạch của Hà Nội" và mong Hà Nội sớm làm xong để chia sẻ kết quả báo cáo với Tổng cục.
Kế hoạch đo kiểm khí thải ở Hà Nội do Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Giao thông và Vận tải Hà Nội phối hợp thực hiện. Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) và Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải (ITST) là các đơn vị đồng hành.