Trước khi rất nhiều chính sách khuyến khích của nhà nước được ban hành, một số doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động “đi trước” đầu tư cho R&D. Thực tiễn thành công và thất bại của những trường hợp tiên phong cho thấy, một khi đã quyết tâm và tìm được hướng đi đúng, họ có thể tạo ra đột phá về sản phẩm bằng nội lực của chính mình.

Cách đây sáu năm, trong cuộc tọa đàm “Đưa tri thức thành động lực phát triển bền vững: Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông” do Rạng Đông, trường Đại học Ngoại thương và Tia Sáng tổ chức, giáo sư Phạm Thành Huy (lúc đó mới là phó giáo sư) cho rằng “R&D trong doanh nghiệp theo đúng nghĩa phải tạo ra được động lực phát triển của doanh nghiệp trong tương lai… Do đó, doanh nghiệp cần phải đầu tư cho R&D một cách dài hạn để có thể tạo ra được những sản phẩm đủ sức dẫn dắt thị trường trong lĩnh vực hoạt động của mình nhiều năm tới”.

Ông Lý Ngọc Minh giới thiệu sản phẩm tại lễ công bố các nhà tài trợ
năm ASEAN 2020. Nguồn: minhlong

Góc nhìn của một nhà khoa học giàu kinh nghiệm làm nghiên cứu cơ bản lẫn hợp tác với doanh nghiệp như giáo sư Phạm Thành Huy đã vẽ ra hoạt động R&D ở mức lý tưởng của doanh nghiệp, khi giúp tạo ra được những thế hệ sản phẩm mới dẫn dắt thị trường trong tương lai. Tác động của R&D tới doanh nghiệp không dừng lại ở đó. Việc thủ sẵn những công nghệ vượt trội một hai vòng đời so với công nghệ hiện hành sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự bảo vệ được mình trước khả năng rủi ro bị đối thủ đánh cắp công nghệ.

TS. Nguyễn Thanh Mỹ đã tạo ra những cái mới
ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nguồn: dantri.con.vn

Tuy nhiên ở Việt Nam, khi việc rót tiền vào R&D vẫn còn là điều cân nhắc, bàn cãi ở nhiều doanh nghiệp bởi rất nhiều lý do, chẳng hạn như tâm lý sợ rủi ro hoặc không đủ tiềm lực…, thì ý tưởng này mới chỉ xuất hiện một cách đơn lẻ ở một số doanh nghiệp tiên phong. Bài học kinh nghiệm của họ, vì thế, càng thêm quý giá và đủ sức khơi gợi cách làm với những doanh nghiệp “ăn chắc mặc bền” đi sau.

Đổi mới để tồn tại

Có lẽ, ở thuở ban đầu, không phải ai cũng mạnh dạn đầu tư cho R&D để giải quyết vấn đề cấp bách của mình hoặc hoàn thiện một công nghệ mới... Tất cả những điều này chỉ thay đổi khi doanh nghiệp chưa thực sự lâm vào thế bị dồn vào chân tường và buộc phải đổi mới để cạnh tranh, thậm chí là để tồn tại. Đó là tình huống chung mà nhiều tên tuổi lớn hiện nay như Rạng Đông ngành chiếu sáng hay Minh Long I ngành gốm sứ… từng phải nếm trải trong quá khứ.

Rạng Đông tăng tốc từ chuyển đổi số. Ảnh: VNR500

Hiện tại, ai cũng biết đến Công ty Gốm sứ Minh Long I với bộ sản phẩm nổi tiếng mới ra mắt cách đây vài năm – những sản phẩm có thể đun nấu linh hoạt trên bếp gas, bếp hồng ngoại, lò nướng, lò vi sóng… và đem lại những món ăn chín sâu nhưng không phá vỡ cấu trúc nguyên liệu, nhờ đó giữ được nhiều dưỡng chất, vitamin… Không ai biết rằng, vào giai đoạn cách đây khoảng 15 năm, họ đã từng lâm vào thế bế tắc tưởng chừng không thể tháo gỡ, chông chênh giữa chi phí đầu vào và chất lượng sản phẩm. Đó là thời điểm giá thành gas, nhiên liệu quan trọng để gia nhiệt cho các lò gốm “tăng giá hằng ngày” như lời kể của ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long I, từ 500 đến 1.000 – 1.500 USD/tấn. Bên cạnh đó, giá nhân công cũng tăng lên gấp nhiều lần. Nếu tình thế kép này khiến ngành gốm sứ lao đao một thì Công ty Minh Long I lao đao gấp nhiều lần bởi để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, sản phẩm của họ phải được nung ở mức nhiệt 1.380oC và phải nung qua nhiều công đoạn. Vì vậy, chi phí mà Minh Long I phải bỏ ra để sản xuất một mẻ sản phẩm quá cao, khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại. Không giải quyết được nút thắt này, Minh Long I có thể sẽ rơi vào cảnh phá sản.

Ông Nguyễn Lâm Viên - Vinamit xây dựng chiến lược "thương hiệu từ gốc". Ảnh: diendandoanhnghiep.vn

Tình huống khó khăn chính là nơi để con người phát huy tính sáng tạo. Cùng với đội ngũ kỹ sư của công ty, ông Lý Ngọc Minh đã tìm ra giải pháp xử lý hệ thống lọc nước và khí để pha chế nguyên liệu luôn đạt hiệu quả trung tính và tinh khiết, đồng thời trong vòng ba phút có thể đưa một lượng khí lớn vừa sạch, vừa trung hòa độ pH và ion hóa, có nhiệt độ thấp hơn bên ngoài khoảng 10 độ vào các xưởng khép kín. Sau đó, ông tiếp tục cải tạo hệ thống lò nung và lắp thêm hệ thống sấy, xử lý nguyên liệu đầu vào cho men và đất có sự tương thích, không bị sốc nhiệt… Công nghệ nung một lần lửa ra đời, không chỉ giảm nhiên liệu, rút ngắn thời gian nung mà còn làm gia tăng gấp đôi sản lượng trong khi vẫn đạt và vượt chỉ tiêu chất lượng hơn công nghệ cũ. Đây là kết quả mà ông Lý Ngọc Minh đúc rút sau nhiều năm tự mày mò tìm hiểu và hoàn thiện công nghệ theo thời gian.

Khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải thì muôn hình vạn trạng. Không phải ai cũng có thể tự đưa mình khỏi khó khăn như Minh Long I, nơi được đặt dưới sự dẫn dắt của một người sống chết với nghề như ông Lý Ngọc Minh. Ở Rạng Đông, 15 năm trước, công việc sản xuất bóng đèn huỳnh quang lâm vào thế khó khi “cuộc chiến đất hiếm” Mỹ - Trung nổ ra làm tăng giá thành đất hiếm. Nhưng không phải chờ đến sự kiện này, bản thân Rạng Đông đã gặp phải rất nhiều vấn đề khiến họ đang trên bờ vực phá sản: chi phí nguyên liệu, công nghệ sản xuất đèn… Do đó, họ cứ làm 20 ruột phích nước thì hỏng một, đèn huỳnh quang phế phẩm tích lũy vài trăm tấn trong khi nguyên liệu đầu vào như thủy tinh không chì, bột huỳnh quang ba màu pha tạp đất hiếm nhập khẩu rất đắt tiền không thể tái sử dụng. Đứng trước tới 20 vấn đề cần phải giải quyết, Rạng Đông lúng túng như gà mắc tóc bởi không tìm ra đáp án.

Giữa muôn vàn trở ngại như vậy, các nhà khoa học ở Viện AIST (ĐH Bách khoa HN) đã gõ cửa, đem đến “phép thần” khoa học có thể giúp Rạng Đông thu hồi bột huỳnh quang để tái sử dụng và quy trình tráng phủ bột huỳnh quang cho đèn huỳnh quang compact. Sau một năm áp dụng công nghệ mới, Rạng Đông đã vượt khỏi “cửa tử” bởi tái sử dụng được phế phẩm. Công nghệ thu hồi bột huỳnh quang và thủy tinh giúp công ty tiết kiệm hàng chục tỷ đồng. Đây là bước khởi điểm của việc thành lập một phòng thí nghiệm và xưởng thực nghiệm chung HUST-RALACO, nơi họ có thể mời các nhà khoa học đến giải quyết vấn đề của công ty. Hiệu quả của phòng thí nghiệm chung này là cơ sở để Rạng Đông sau đó quyết định nâng cấp thành Trung tâm R&D Rạng Đông, đồng thời mở thêm một phòng thí nghiệm chung nữa đặt tại ĐH Bách khoa. Đó là nền tảng để sau này, các nhà khoa học đã cùng Rạng Đông nghiên cứu phát triển các sản phẩm chiếu sáng công nghệ cao, chuyên dụng cho phát triển nông nghiệp như đèn LED tiết kiệm điện để trồng cây cúc, cây thanh long…, nghĩa là một thị trường mới ngoài lĩnh vực chiếu sáng dân dụng của Rạng Đông.

Công nghệ mới đã làm hồi sinh Minh Long I và Rạng Đông, còn các doanh nghiệp khác? Đó là một cách tiếp cận hoàn toàn khác về R&D để tạo ra những công nghệ mới có thể giúp dẫn dắt thị trường.

Đổi mới để dẫn dắt thị trường

Câu chuyện R&D trong doanh nghiệp, ở những ngành nghề và bối cảnh khác nhau, mang những màu sắc khác nhau. Tuy nhiên, nó cần sự thấu hiểu của chủ doanh nghiệp để có thể không ngần ngại đầu tư vào hoạt động R&D mà không so đo tính toán thiệt hơn cũng như đòi hỏi phải có hiệu quả ngay sau một thời gian ngắn.

Đó là những gì mà ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit, sẵn có. Gần 30 năm trước, từ một cán bộ lâm trường bắt tay vào thành lập doanh nghiệp, ông đã sang Đài Loan làm nghiên cứu sinh, không đặt mục tiêu lấy bằng tiến sĩ mà cốt chỉ học lấy “nghề” chế biến sau thu hoạch bằng công nghệ sấy, “không sử dụng hóa chất phụ gia, không sử dụng chất bảo quản hay gia vị cả mà vẫn giữ được tất cả tinh túy tự nhiên của cây cỏ” như lời chia sẻ với báo KH&PT cuối năm 2021.

Trăn trở về việc hoa trái vùng nhiệt đới như Việt Nam thì ê hề theo mùa, xuất khẩu tươi không được bao lăm, đôi khi lại gặp rào cản về khẩu vị và mùi như mít, ông Nguyễn Lâm Viên đã áp dụng công nghệ sấy trong điều kiện chân không, dùng bức xạ nhiệt để rút nước bên trong ra mà không ảnh hưởng đến kết cấu bề mặt. So với sấy khô truyền thống, nó không chỉ ưu việt hơn hẳn về thời gian mà còn làm khô sản phẩm một cách triệt để. “Đó là một đột phá, và lúc đó gần như là một đột phá rất mới, không chỉ mới ở Việt Nam”, ông chia sẻ.

Công nghệ của ông ngay lập tức đem lại một dòng sản phẩm mới cho thị trường trong và ngoài nước. Rất nhiều công ty khác do các học trò của ông lập ra đã học hỏi và áp dụng nghề sấy, tận dụng nguồn hoa trái trong nước để cung cấp thêm sản phẩm cho thị trường. “Tôi cũng không ngờ là nó bùng nổ cho tới ba mươi mấy năm sau. Đó là điều rất lạ lùng, thường bất kỳ một ngành sản phẩm tiêu dùng ăn uống nào đó chỉ khoảng 5-10 năm là hết ‘hot’ rồi”, ông nói. Tuy nhiên, để có sức sống 30 năm như vậy, bằng nỗ lực đổi mới công nghệ của mình, ông Lâm Viên đã “gia cố” thêm rất nhiều vào công nghệ. Do vậy, mít sấy của ông ngày một khác biệt so với sản phẩm cùng loại, không chỉ khô, giữ nguyên màu sắc, mùi vị mà còn giòn xốp, “ăn zô phải giòn tan hấp dẫn thì mới có thể thành công được” như ví von của ông.

Thành công này là kết quả của đội làm R&D của công ty mà ông Lâm Viên gọi là “nhóm tinh thần kỹ sư trẻ” do ông đào tạo, hướng dẫn và giao đề tài. “Phải liên tục nghiên cứu các công trình cho tương lai, chứ không phải mình chờ đến lúc xã hội cần mới áp dụng thì muộn mất tiêu rồi”, ông nói. Việc mạnh tay chi cho các nghiên cứu cũng là bí quyết thành công. “Công trình nghiên cứu lớn không bao giờ dưới 100 tỷ hết bởi phải nghiên cứu rất nhiều và ứng dụng thử nghiệm trên nhiều công đoạn khác nhau”. Nhờ vậy hiện tại không chỉ có mít sấy, khoai môn sấy…, Vinamit đã có thêm nhiều sản phẩm đột phá khác, dựa trên công nghệ sấy đông khô, như nước mía tươi sấy, nước dứa tươi sấy, nước chanh leo sấy… lúc nào cũng cháy hàng trên các sàn thương mại điện tử.

Cũng trong vai trò dẫn dắt R&D của công ty nhưng TS. Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan lại đề xướng ra những cái mới ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ trạm quan trắc nước mặn bằng năng lượng mặt trời, phân bón nhả chậm, đồng hồ nước thông minh… đến mô thức nuôi tôm TOMGOXY. Với suy nghĩ “làm đúng cái đang sai, làm tốt hơn cái hiện tại, làm có cái chưa có và làm gì để lại dấu ấn tốt trong xã hội”, từ một tiến sĩ khoa học vật liệu, ông đã trở thành nhà sáng chế, giải quyết được một số trong muôn vàn vấn đề tồn tại của nghề nông. Ví dụ, sản phẩm mới nhất mà ông có được là mô thức TOMGOXY có thể giúp kiểm soát được điều kiện môi trường, vì mô hình siêu thâm canh được nhiều người nuôi tôm áp dụng hiện nay có sục không khí và mái che giải quyết được nhiều vấn đề môi trường con tôm cần nhưng lại đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn. “Nếu đắt đỏ quá và phức tạp quá thì làm sao những người nông dân có thể nuôi được?. Do đó chúng tôi phải có mô hình đơn giản hơn, phải rẻ tiền hơn, ít đầu tư hơn để những người nông dân hiện đại có thể lấn sân qua thâm canh và siêu thâm canh được”, ông nói.

Để cho ra đời mô thức TOMGOXY, TS. Nguyễn Thanh Mỹ đã phải tận dụng hiểu biết ở nhiều lĩnh vực khác nhau “hóa học và vật lý để xử lý nước, sinh học để nuôi tôm, nuôi tảo, kinh doanh để biết trả giá, biết thương lượng để bán tôm cho đắt”. Trong câu chuyện nuôi tôm, nhờ vậy ông đã giải quyết rất nhiều vấn đề nan giải của ngành tôm, “ví dụ oxy hòa tan trong nước 15% cho con tôm thở, 15% là cho tảo thở, còn 70% là cho vi sinh thở. Vi sinh khỏe thì nó mới biến những chất thải hữu cơ thành thành phân bón nên mình có thể thải ra ngoài cho cây nổi ở ngoài sống tốt, có thể tái sinh nước được. Một khi hệ vi sinh khỏe thì tôm không có bệnh, không phải sử dụng chút xíu kháng sinh gì”, ông giải thích. Từ mong muốn đó, ông đã nghĩ đến hệ thống tạo dòng nước, phân bổ oxy khác biệt so với hệ thống cùng loại, không chỉ tối ưu hơn mà còn không tạo ra tiếng ồn.

Gói ghém rất nhiều kiến thức như vậy trong một mô hình, ông Nguyễn Thanh Mỹ còn nghĩ đến những điều xa xôi hơn của việc áp dụng phổ biến một cách thức nuôi mới. “Nếu như có được những mô hình như vậy, trong trường hợp người nông dân không có tiền đầu tư được thì mình có thể hợp tác, làm chung với nông dân, mình thầu đầu ra cho họ luôn. Làm sao đó cho họ có lời nhiều hơn, làm sao đó ít rủi ro cho họ hơn, làm sao đó cho họ giàu có hơn”, ông nói.

Bí quyết thành công của ông Nguyễn Lâm Viên hay ông Nguyễn Thanh Mỹ đều cùng hội tụ ở một điểm, như câu trả lời của ông Nguyễn Lâm Viên “Thật ra, tất cả đều có thể thành công và tất cả đều có thể thất bại bởi nếu chúng ta hiểu về bản chất khoa học, chúng ta đều có thể đi đến thành công còn nếu không có đủ hiểu biết về điều kiện khoa học thì chúng ta cũng có thể thất bại. Cái khó trong R&D thứ nhất là hiểu nó có tiềm năng không, có thể làm ra được không, và sau đó phải đổ tiền nhiều thì mới có thể làm được”.

Chính sách có còn hữu dụng?

Tuy đã có nhiều doanh nghiệp như Minh Long I, Rạng Đông, Vinamit hay Mỹ Lan thành công bằng việc chủ động đầu tư vào R&D nhưng trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào ở Việt Nam cũng hội tụ đủ điều kiện để dành rất nhiều nguồn lực kinh tế và con người cho R&D như vậy. Vì thế, đó chính là đất để chính sách có thể triển khai và lan tỏa đến mọi nơi, mọi doanh nghiệp, thậm chí góp phần đem lại những điều kiện để doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô hoạt động của mình.

Nafoods, một tập đoàn chuyên chế biến và xuất khẩu các sản phẩm nước ép trái cây và rau củ quả đông lạnh, từng thành lập Viện nghiên cứu chuyên về cây giống từ hơn 20 năm nay – một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị của cây chanh leo. Đây là nơi duy nhất ở Việt Nam sản xuất được giống chanh leo kiểm soát được virus, đảm bảo độ đồng đều của hàng triệu cây giống và truy xuất được nguồn gốc. Hiện tại, họ có trong tay ba giống chanh leo mang tên của Nafoods và được Bộ NN&PTNT công nhận, cấp quyền sở hữu trí tuệ như Nafood 1, Quế Phong 1, Bách hương 1... Để đi đến kết quả này, hàng trăm tỉ đồng trích từ doanh thu hằng năm (4%) đã được Nafoods đổ vào viện nghiên cứu này. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQG Nafoods Group cho biết “Rất là tự hào, Nafoods dù không phải là công ty quá lớn nhưng đã mạnh dạn đầu tư cho vấn đề R&D như vậy, trước hết để mang lại giá trị gia tăng, đem lại các sản phẩm xuất khẩu và cung ứng cho thị trường nội địa, sau đó có những bản quyền sở hữu trí tuệ về giống”.

Để đi đến kết quả này, viện nghiên cứu của Nafoods đã thực hiện rất nhiều đề tài nghiên cứu cấp cơ sở về công nghệ chọn tạo giống cây trồng mới năng suất cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh; công nghệ nhân giống cây trồng sạch bệnh, chất lượng cao; công nghệ canh tác với việc trồng trọt, tưới tiêu, quản lý sâu bệnh để sản xuất nguyên liệu; công nghệ số hóa... Tuy nhiên, trong chặng đường này, viện giống của Nafoods cũng không thể đảm đương được mọi việc. Họ đã phải tìm đến nhiều nơi như Viện KH nông nghiệp VN, Học viện Nông nghiệp VN, Viện Cây ăn quả miền Nam, Đại học Bách khoa TP.HCM, Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM… để hợp tác. Trên cơ sở đó, Nafoods đã thực hiện một số đề tài nghiên cứu cấp bộ như “Nghiên cứu chọn tạo giống chanh leo phục vụ các vùng nguyên liệu trọng điểm đáp ứng nhu cầu nội tiêu và xuất khẩu” cùng Viện Khoa học nông nghiệp VN, Viện Nghiên cứu Rau quả.

Phần lớn kết quả đạt được của Nafoods là tự lực cánh sinh và hợp tác với trường viện chứ chưa được thụ hưởng quá nhiều chính sách. Khi nhìn lại chặng đường đó, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, có rất nhiều khó khăn có thể được loại bỏ một cách rõ ràng nếu có những chính sách khuyến khích đầu tư vào R&D, “hỗ trợ doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư hoặc những khoản vay ưu đãi, hỗ trợ giảm thuế nhưng quan trọng nhất là một cơ chế triển khai nhanh gọn, linh hoạt, không rườm rà thủ tục”. Đó là một trong những chính sách thiết thực nhất để các doanh nghiệp, không riêng gì Nafoods, có thể yên tâm đầu tư vào R&D một cách hiệu quả.