Chúng ta luôn nghĩ mình hoàn toàn chủ động sử dụng mạng xã hội cũng như các ứng dụng mua sắm, giải trí; trong khi thực ra mọi hành vi nghe nhìn của chúng ta đều đang trở thành tài nguyên cho các công ty công nghệ theo dõi và khai thác.
Cuộc sống của chúng ta đang dần được chuyển lên mạng. Với
7 tiếng sử dụng Internet mỗi ngày, nhiều hoạt động giải trí, kết nối xã hội, mua sắm trước đây chỉ được thực hiện trong đời thực (offline) nay đã chuyển sang trực tuyến (online).
Trong thời đại dữ liệu là một loại dầu mỏ mới thì các hoạt động online mang lại nguồn “tài nguyên vô tận” cho các công ty công nghệ dõi theo từng đường đi nước bước của người dùng - từ những dòng thông tin tự điền khi đăng ký tài khoản trên mạng đến những lần vô thức dừng lại trên một bài post, những lần thả tim, từng cú nhấp chuột…
Chúng ta vẫn nghĩ mình nắm quyền chủ động trong việc lướt Internet, nhưng sự thực không phải như vậy. Khi thu thập được dữ liệu người dùng, các công ty công nghệ hoàn toàn vẽ được chân dung chi tiết về mỗi cá nhân: thích nghe gì, xem gì, có cảm xúc như thế nào khi đọc từng loại tin tức, từ đó gợi ý cho chúng ta xem những nội dung tương tự luân phiên nhau trên Facebook, Instagram, TikTok hay Youtube.
Đằng sau những gợi ý đó là các thuật toán với cơ chế “thao túng” cảm xúc và hành vi người dùng. Điều đó có những mặt lợi và hại ra sao? Chúng ta có cách nào giữ được quyền riêng tư, dữ liệu của mình cũng như hạn chế những mặt hại của mạng xã hội? Các thuật toán theo dõi hành vi có thể dẫn tới nguy cơ lừa đảo nào trên Internet?
Trong buổi tọa đàm “Thuật toán đã thao túng chúng ta như thế nào?” do tạp chí Tia Sáng và OpenFactor Foundation tổ chức, hai diễn giả Đặng Văn Quân, Trần Hữu Nhân và khách mời Vũ Xuân Sơn sẽ phần nào giải đáp những câu hỏi nêu trên, đồng thời gợi ý cách chúng ta có thể tự bảo vệ dữ liệu cá nhân, hạn chế tác động có hại của các lệnh toán “thao túng” hành vi.
Thời gian: 14h30 chiều ngày 22/4/2023 (thứ Bảy)
Địa điểm: Cafe Trung Nguyên, 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Thông tin diễn giả:
Đặng Văn Quân: kỹ sư về học máy, có kinh nghiệm về phát triển các hệ thống MLOps trong doanh nghiệp lớn như Heligate, One Mount, Yokogawa Singapore và MSB. Năm 2021, anh đồng sáng lập cộng đồng MLOpsVN - một diễn đàn để chia sẻ, thảo luận và đào tạo về cách thức xây dựng các hệ thống học máy cho 6.000 thành viên.
Trần Hữu Nhân: kỹ sư về khoa học dữ liệu và học máy, có kinh nghiệm phân tích và quản trị dữ liệu khách hàng trong doanh nghiệp như Lazada, NielsenIQ Malaysia, One Mount. Anh hiện là cây bút cho tạp chí Towards Data Science và giảng viên cho công ty giáo dục APTECH Computer Education.
Thông tin khách mời:
Vũ Xuân Sơn: nghiên cứu viên cao cấp của chương trình WASP Media & Language tại Đại học Umeå (Thụy Điển), trưởng nhóm phát triển AI/ML tại công ty Devr INC. Anh tập trung vào các công nghệ bảo vệ quyền riêng tư trong học máy và có nhiều công bố khoa học được đánh giá xuất sắc tại các hội nghị AI quốc tế. Anh là đồng sáng lập của một số dự án cộng đồng như AIcovidVN, AIHUB.ML, MLOpsVN.