Vào hai năm 2018 và 2019, dịch lở mồm long móng đã xuất hiện ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Vào tháng 1/2019, dịch bệnh này được phát hiện ở các vùng trọng điểm nuôi lợn ở miền Nam với những ổ dịch hàng trăm con lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy. Đáng chú ý nhất là các trại lợn đã được tiêm vaccine chống virus FMDV cũng bị mắc bệnh.
Do đó, TS. Nguyễn Minh Nam (Trường Y, ĐHQG TPHCM) và cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu để tìm hiểu về các đặc trưng kiểu gene của các chủng virus FMDV trên bảy mẫu đã được thu thập. Sau khi phân lập virus, các nhà nghiên cứu đã giải trình tự gene để phân tích và so sánh với trình tự gene tham chiếu ở GenBank. Phân tích kiểu hình di truyền cho thấy cả bảy mẫu đều thuộc về kiểu huyết thanh O, kiểu topo SEA/Mya-98. Các chủng này đều có sự tương đồng cao với các chủng khác ở Việt Nam (2018), Hàn Quốc, Trung Quốc nhưng lại ít tương đồng với chủng sử dụng trong vaccinec. Tuy nhiên, 21 amino acid thay thế có trong protein VP1 của các chủng FMDV thực địa, nhiều amino acid trong đó là yếu tố quyết định kháng nguyên tham gia vào vô hiệu hóa virus FMDV. Các phát hiện cho thấy vaccine hiện hành không hiệu quả chống lại các chủng FMDV mới xuất hiện ở miền Nam.
Kết quả được công bố trong “Phylogenetic and genotypic characteristics of the foot-and-mouth disease virus from outbreaks in southern Vietnam, 2019” (Các đặc điểm về kiểu hình và kiểu gene của virus gây bệnh lở mồm long móng ở miền Nam, năm 2019), xuất bản trên tạp chíVirology.
Thanh Hương