Theo nhận định của Google, nhu cầu du lịch của du khách Việt đã tăng trở lại sau thời gian dài bị dồn nén do các quy định hạn chế dịch chuyển. Chỉ trong tháng 7, xu hướng tìm kiếm địa điểm du lịch biển của người Việt tăng gấp 5 lần so với tháng 3/2020.

Trong công bố mới nhất của Google về xu hướng du lịch tại châu Á Thái Bình Dương và Việt Nam, cứ một trong hai người ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương được hỏi thì đều chia sẻ rằng, họ đang muốn hoặc rất muốn đi du lịch. Kết quả từ khảo sát này khá giống với thống kê về xu hướng tìm kiếm du lịch tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Chỉ trong ba tháng, nhu cầu tìm kiếm về du lịch đã phục hồi khoảng 50% so với mức trước Covid-19.

Xu hướng tìm kiếm địa điểm du lịch của khách Việt.Nguồn: Google
Xu hướng tìm kiếm địa điểm du lịch của khách Việt.Nguồn: Google


Tại Việt Nam, chỉ trong tháng 7, xu hướng tìm kiếm địa điểm du lịch biển của người Việt tăng gấp 5 lần so với tháng 3/2020. 5 địa điểm được tìm kiếm nhiều nhất lần lượt là TP HCM, Đà Lạt, Phú Quốc, Vũng Tàu, Nha Trang.

Thống kê của Google còn cho thấy, du khách Việt Nam đang có xu hướng chọn về với thiên nhiên và các vùng biển như Phú Quốc và Đà Lạt cho những kỳ nghỉ cuối năm; đồng thời chuyển hướng từ các tour du lịch trọn gói sang các hoạt động khám phá. Nhu cầu du lịch "phượt" tự túc phục hồi nhanh hơn các tour du lịch trọn gói, tăng gấp 2 lần so với trước Covid-19.

Các chủ đề và xu hướng du lịch nổi bật mà khách du lịch nội địa Việt Nam quan tâm. Nguồn: Google
Các chủ đề và xu hướng du lịch nổi bật mà khách du lịch nội địa Việt Nam quan tâm. Nguồn: Google

Ba gợi ý giúp các công ty du lịch phục hồi

Từ việc phân tích các số liệu liên quan đến thao tác tìm kiếm của người dùng, Google đưa ra 3 gợi ý giúp các công ty du lịch phục hồi trong thời gian tới như sau:

Đáp ứng nhu cầu thông tin trực tuyến hữu ích: Khảo sát của Google chỉ ra, khách hàng đang chuyển sang lựa chọn đại lý du lịch trực tuyến (Online Travel Agents) để lên kế hoạch du lịch.

Hiện, 6/10 người tiêu dùng ở Trung Quốc có kế hoạch đặt chỗ thường xuyên với các đại lý du lịch trực tuyến so với trước Covid-19.

Các công ty du lịch đều có thể nắm bắt nhu cầu này bằng cách cung cấp các dịch vụ hữu ích, chẳng hạn như thông tin di chuyển, ưu đãi đặt phòng linh hoạt và đảm bảo giá cho những du khách muốn đặt phòng sớm...

Linh hoạt với Covid-19, đề cao yếu tố an toàn: Theo khảo sát người tiêu dùng của Google, khách du lịch xếp mức độ sạch sẽ và vệ sinh là một trong ba yếu tố cân nhắc hàng đầu đi kèm với danh tiếng thương hiệu du lịch hoặc các chương trình ưu đãi khách hàng thân thiết.

Bên cạnh đó, khái niệm “an toàn” cũng được khách hàng quan tâm và ảnh hưởng đến lựa chọn đặt phòng của người tiêu dùng ở mỗi quốc gia, thị trường.

Đơn cử như ở Trung Quốc, sau giai đoạn Covid-19, 40% khách hàng thích ở khách sạn và chỉ có khoảng 9% người lựa chọn thuê nhà lưu trú. Tuy nhiên, xu hướng trái ngược lại tại New Zealand, nơi các lượt đặt phòng nội địa trên Airbnb phục hồi nhanh hơn mức trước Covid-19 so với khách sạn. Tại Việt Nam, yếu tố hàng đầu với du khách khi quyết định lựa chọn các dịch vụ du lịch là uy tín thương hiệu.

Tái kích cầu du lịch MICE: Mặc dù sự hào hứng đối với du lịch giải trí đang dần trở lại, nhưng cuộc điều tra và phân tích số liệu từ việc tìm kiếm cho thấy, một số tình trạng bất ổn trong nhu cầu đi công tác, đặc biệt là trong phân khúc MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác).

Xây dựng niềm tin cho khách hàng là chìa khóa để khơi dậy nhu cầu đối với phân khúc MICE. Ví dụ như khách sạn Marriott International ở Trung Quốc đã bắt đầu giới thiệu các quy trình vệ sinh nâng cao cho các hội nghị kinh doanh để khuyến khích đặt chỗ.

Ngoài ra, các chính phủ cũng đóng vai trò tích cực trong việc nỗ lực kích cầu, chẳng hạn như chính phủ Singapore gần đây thí điểm sáng kiến cấp phép trở lại cho các sự kiện tối đa 250 người tham dự, bắt đầu từ tháng 10.