Trong làn sóng Covid-19 lần này, TP Đà Nẵng phải đối mặt với 3 thách thức: khó xác định được nguồn lây bệnh, virus ở chủng mới đang lan nhanh, và nhiều nhân viên y tế bị nhiễm bệnh.
Đà Nẵng triển khai chốt chặn, kiểm tra, khai báo y tế tại các cửa ngõ từ 8 giờ ngày 31/7. Ảnh: baodanang.vn
Sáng 31/7, Đà Nẵng ghi nhận thêm 45 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm của thành phố lên 79 người. Trong làn sóng Covid-19 lần này, Đà Nẵng đang phải đối mặt với 3 thách thức: khó xác định được nguồn lây bệnh (F0), virus ở chủng mới đang lan nhanh, và nhiều nhân viên y tế cũng bị nhiễm bệnh.
"Làn sóng bệnh dịch thứ hai này nguy hiểm hơn rất nhiều so với lần trước", BS. Bùi Vũ Bình, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội,
nhận định tại hội thảo trực tuyến "Cập nhật chẩn đoán và điều trị Covid-19 trong thực hành lâm sàng", chiều 30/7.
Ông cho biết, virus nCoV lây nhiễm ở Đà Nẵng thuộc chủng mới so với các chủng đã tồn tại ở Việt Nam, là chủng xâm nhập từ bên ngoài, dễ lây lan hơn, mức độ nguy hiểm cao hơn. Các ca nhiễm lần này không chỉ xuất hiện ở người già, trẻ nhỏ, người có bệnh nền mà còn cả người trẻ, người có sức khỏe tốt, có thói quen di chuyển nhiều. Điều này tạo điều kiện cho nCoV lan rộng nhanh chóng.
Trước đó, ngày 27/7, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covis-19, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam
cho rằng, virus ở Đà Nẵng tương tự với chủng được ghi nhận trên thế giới trong suốt tháng 7 và "chưa đủ bằng chứng cho thấy các đột biến khiến virus [ở Việt Nam] tăng hay giảm độc lực".
Như vậy, tính đến nay ở Việt Nam đã xuất hiện 6 chủng virus, trong khi thế giới đã ghi nhận 99 chủng.
Do các ca nhiễm đầu tiên được phát hiện ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hà Nội... đúng vào mùa du lịch và nhiều người di chuyển, nên khó có thể xác định nguồn lây nhiễm và có nguy cơ tiềm tàng để lây bệnh về các địa phương. Trong bối cảnh nguồn lực y tế chưa cải thiện nhiều sau đợt một chống dịch, các địa phương phải cẩn trọng để tránh sự bùng phát tương tự.
Cũng theo ý kiến của BS. Bùi Vũ Bình tại hội thảo trực tuyến nêu trên, lần này "tỷ lệ nhân viên y tế mắc Covid-19 cao" - hiện Đà Nẵng có 4 nhân viên y tế nhiễm bệnh, tạo ra nguy cơ lây nhiễm cho các nhân viên y tế khác và người bệnh. Đây là điều rất nguy hiểm bởi nó có khả năng làm xói mòn lực lượng phòng thủ y tế tuyến đầu. Do vậy, các cơ sở y tế rất cần tăng cường năng lực hệ thống và bảo hộ nhân viên của mình - BS. Bùi Vũ Bình nhận định.
Lập bệnh viện dã chiến và Ban thường trực đặc biệt ở Đà Nẵng
Tối 30/7, Thường trực
Thành ủy TP Đà Nẵng yêu cầu khẩn trương thành lập
bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn; đồng thời thực hiện các biện pháp
giảm tải tại những bệnh viện, trung tâm y tế đã phong tỏa, cách ly và
làm sạch các ổ dịch
(trong đó có Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình và phục
hồi chức năng Đà Nẵng...).
TP
Đà Nẵng cũng yêu cầu ngành y tế tiếp tục chủ động xét nghiệm trên diện
rộng với tất cả các trường hợp có triệu chứng hoặc nghi ngờ, phát hiện
và cách ly các nguồn lây, tập trung mua sắm các trang thiết bị cần thiết
như: máy ECMO, máy thở, quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế, dung dịch sát
khuẩn.
Đêm 30/7,
Bộ Y tế cũng đã quyết định thành lập
Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 tại Đà Nẵng để tăng cường công tác chỉ đạo và thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 và điều trị bệnh nhân tại khu vực này.
Bộ phận thường trực gồm 65 người là các lãnh đạo, chuyên gia, bác sĩ trong
ngành, do PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y
tế, chỉ huy. Ngoài ra, Bộ phận thường trực dự kiến huy động khoảng 1.000 người phục vụ công tác
phòng, chống dịch tại Đà Nẵng gồm lấy mẫu xét nghiệm, truy vết, cách ly,
hậu cần, truyền thông...