Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định, TPHCM cần xây dựng những chính sách đặc thù để xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho KH&CN, cũng như nâng cao mức sống cho các nhà khoa học.
Ngày 16/2, Thành ủy TPHCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 20 của Ban chấp hành Trung ương về phát triển KH&CN phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng KH&CN Lê Xuân Định cho biết, thời gian qua Bộ KH&CN đã phối hợp với các cơ quan xây dựng chính sách tốt hơn cho nhà khoa học, như Thông tư số 30/2023/TT-BT về sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ KH&CN, thì định mực chi thù lao cho chủ nhiệm đề tài tăng từ 26 lên tối đa 40 triệu đồng/tháng, nghiên cứu viên tăng từ khoảng 8 lên 16 triệu, người hỗ trợ nghiên cứu khoảng 6 lên 8 triệu đồng. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, mức tăng thù lao này cho người hỗ trợ nghiên cứu vẫn chưa đủ cho mức sống trung bình tại TPHCM. Do vậy ông Định mong muốn, ngoài những quy định chung, TPHCM cần xây dựng chính sách đặc thù, để giúp nhà khoa học có đời sống tốt hơn.
“TPHCM còn có hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp, chiếm khoảng 50% [số doanh nghiệp của] cả nước, vì vậy, Thành phố cần xây dựng chính sách đặc thù trong xã hội hóa nguồn lực cho KH&CN, đặc biệt là thu hút đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm cho lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”, Thứ trưởng nhấn mạnh và cho rằng, TPHCM cũng cần quan tâm đến yếu tố chấp nhận rủi ro trong triển khai, ứng dụng các công nghệ mới và có những quy định phù hợp trong việc thử nghiệm những chính sách mới.
Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 20, TPHCM đã ban hành một số cơ chế mới như đặt hàng nghiên cứu xuất phát từ nhu cầu thực tế, đổi mới cơ chế đầu tư và quản lý tài chính với hoạt động KH&CN, đề án xây dựng thành phố thông minh, khu đô thị sáng tạo phía Đông...
Thành phố đã ứng dụng mạnh mẽ KH&CN vào các lĩnh vực khác nhau, phục vụ phát triển KT – XH. Tốc độ đổi mới công nghệ và thiết bị của Thành phố liên tục tăng. Tốc độ này giai đoạn 2016-2020 là 18,85% mỗi năm (giai đoạn trước năm 2016 là 15% mỗi năm), năng suất lao động xã hội của thành phố cao hơn 2,7 lần so với cả nước. Riêng năng suất lao động của các doanh nghiệp có hàm lượng KH&CN cao thuộc các ngành công nghiệp, dịch vụ trọng điểm gấp 1,57 lần năng suất lao động xã hội của thành phố.
Tổng doanh thu của hàng hóa, sản phẩm từ kết quả nghiên cứu khoa học đạt hơn 2.000 tỷ đồng/năm. Chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) luôn ở mức cao, đạt trung bình 35,62%, trong đó đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng TFP là 74%.
Thành phố có hơn 144.000 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ, trong đó có hơn 2.500 sáng chế (cả nước có khoảng trên 4.000 bằng độc quyền sáng chế). Nhân lực hoạt động KH&CN thành phố đạt hơn 21.200 người (cả nước có khoảng 60.000 người) - trong đó có 188 giáo sư, 1.116 phó giáo sư trong tổng số hơn 6.800 tiến sĩ. Tỷ lệ nhiệm vụ KH&CN được ứng dụng vào thực tế đạt 98,8%, tăng 2,5 lần so với giai đoạn trước đó.
Trong thời gian tới, TPHCM sẽ tập trung đổi mới hệ thống tổ chức KH&CN, tăng cường liên kết giữa tổ chức KH&CN với doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực.
Bên cạnh đó, Thành phố còn đặt ra một số mục tiêu như: kinh tế số đóng góp khoảng 40% trong GRDP; đến năm 2030, có 5 tổ chức KH&CN được xếp hạng khu vực và thế giới; 40% các doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo; tỷ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học đạt trên 40% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước...