Chương trình do Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ số (Viet Lotus) tổ chức ngày 13/2 tại TPHCM, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khu vực phía Nam nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc phát triển sản phẩm xanh và sạch.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án "Hỗ trợ hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam ứng phó với COVID - 19", do Bộ Các vấn đề toàn cầu Canada tài trợ.

Hơn 50 doanh nghiệp vừa và nhỏ và HTX tại khu vực phía Nam đã tham gia chương trình đào tạo miễn phí nói trên trong một ngày tại TPHCM.

Ông Trịnh Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm KHCN và kinh tế số, thuộc Viện KHCN và Môi trường - cho biết, mới đây Viện đã khảo sát 422 HTX tại 21 tỉnh thuộc 7 vùng kinh tế về hiện trạng, nhu cầu và khả năng tiếp nhận công nghệ nói chung. Kết quả, chỉ có gần 60% hợp HTX sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao công nghệ và ứng dụng, đổi mới vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Số còn lại chưa sẵn sàng do không đủ điều kiện về tài chính, đất đai nhà xưởng và năng lực vận hành. Về năng lực chuyển đổi số, chỉ có khoảng 55% số HTX sử dụng máy tính và ứng dụng các phần mềm (chủ yếu là các phần mềm kế toán và một số phần mềm phục vụ sản xuất kinh doanh như phần mềm chạy máy CNC, email ...). Ngoài ra, mới gần 50% số HTX có máy tính được kết nối Internet. Cán bộ quản lý có trình độ đại học chỉ chiếm 7% và có đến 51% chưa qua đào tạo. Cũng theo khảo sát, các kỹ năng phục vụ quá trình chuyển đổi số của HTX như thương mại điện tử, truyền thông số, ứng dụng mô hình kinh doanh, sử dụng các thiết bị công nghệ,… phần lớn ở mức độ trung bình.

c
Cập nhật các kiến thức về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp. Ảnh: KA

Vì vậy, theo ông Tuấn, để thực hiện việc chuyển đổi số trong HTX, đầu tiên cần nâng cao nhận thức của ban lãnh đạo và người lao động qua các lớp đào tạo, nâng cao kiến thức, bồi dưỡng chuyên môn.

Thời gian tới, Viet Lotus tiếp tục tổ chức chương trình đào tạo miễn phí nói trên cho hơn 100 doanh nghiệp đến hết tháng 3/2023. Tham gia chương trình, các học viên được trang bị các kiến thức về truy xuất nguồn gốc minh bạch hóa sản phẩm; Xây dựng và phát triển thương hiệu; Ứng dụng thương mại điện tử, AI trong phát triển, tiêu thụ sản phẩm;….