Quan điểm này được Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng chia sẻ tại hội thảo “Phát triển thị trường dịch vụ logistics cho doanh nghiệp” do Bộ Công Thương phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức ngày 20/4 tại Hà Nội.
Theo số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, hiện nay, 95% các doanh nghiệp logistics đang hoạt động ở Việt Nam là doanh nghiệp nội địa. Số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Vì vậy, ở cả chiều mua và bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế về thị trường.
Năm 2020 được đánh giá là một trong những năm khó khăn cho nền kinh tế nói chung và lĩnh vực logistics nói riêng bởi dịch Covid-19. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, thị trường logistics toàn cầu nửa cuối năm 2020 chủ yếu được thúc đẩy bởi việc khôi phục dòng chảy thương mại quốc tế. Hơn nữa, các chính sách thuận lợi hóa thương mại, kích thích tăng trưởng kinh tế hậu Covid-19 cũng đang hỗ trợ trong việc mở rộng thị trường.
Đồng tình với ý kiến này, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng, hệ thống pháp lý hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói chung và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực logistics nói riêng hiện đã tương đối đầy đủ, hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp khởi nghiệp trên nền tảng nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, khai thác tài sản trí tuệ, mô hình kinh doanh mới. "Đây là những yếu tố cần và đủ để doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực logistics có cơ hội phát triển" - Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh.
Dù chưa có thống kê chính xác về số lượng đơn vị khởi nghiệp trong lĩnh vực logistics, nhưng nếu nhìn vào thành công của startup trong lĩnh vực này như Abivin, Logivan, FastGo… với những công nghệ đột phá, những giải thưởng và thương vụ đầu tư trong thời gian qua, có thể thấy sức hấp dẫn cũng như tiềm năng khởi nghiệp rất lớn trong một ngành đã được nhận định là "xương sống", "mạch máu" của nền kinh tế.
Ông Đỗ Huy Bình, giám đốc Smartlog, chia sẻ tại hội thảo, sau khi Covid-19 xảy ra, lượng doanh nghiệp muốn ứng dụng công nghệ của đơn vị này để chuyển đổi số cho công đoạn logistics tăng lên gấp 4 lần. Là startup phát triển các giải pháp công nghệ thông tin phục vụ cho hoạt động vận hành, quản trị logistics và chuỗi cung ứng tại Việt Nam, theo ông Bình, chuyển đổi số phải bắt đầu bằng chuyển đổi tư duy. Như vậy, để dịch vụ logistic phát triển thì không phải cạnh tranh bằng giá mà phải hợp tác để cùng nhau tạo ra giá trị lớn hơn.
Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục phát triển thị trường doanh nghiệp (Bộ KH&CN) - thì chia sẻ ý tưởng học hỏi kinh nghiệm của Singapore về việc tìm kiếm các giải pháp công nghệ có thể xử lý các bài toán liên quan đến logistic của doanh nghiệp lớn. Theo đó, các tập đoàn, doanh nghiệp đang gặp khó trong vấn đề này có thể đưa ra các phần thưởng để những startup, người làm công nghệ
đưa ra giải pháp. "
Như vậy, chúng ta có thể giải quyết được bài toán một cách tốt nhất với chi phí nhỏ nhất" - ông Phạm Hồng Quất nói.