Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định tặng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia năm 2019 cho 61 doanh nghiệp, và năm 2020 cho 55 doanh nghiệp. Giải thưởng của hai năm được trao gộp do bị gián đoạn bởi dịch Covid-19 vào năm ngoái.
Danh sách doanh nghiệp đoạt giải sẽ được công bố chính thức tại Lễ trao Giải ngày 25/4 tới tại Hội trường Bộ Quốc phòng, Hà Nội. Đây là những doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc nâng cao
chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động,
hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới.
Theo thông tin tại họp báo giới thiệu về giải thưởng sáng 20/4, một số doanh nghiệp như Sanvinest, Sao Thái Dương, TH Milk, Nhựa Tiền Phong sẽ nằm trong danh sách các doanh nghiệp được nhận giải thưởng lần này.
Họp báo Giải thưởng Chất lượng Quốc gia2019-2020
Có 4 loại hình doanh nghiệp được tham dự và xét chọn trao giải, gồm: doanh nghiệp sản xuất lớn, doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ, doanh nghiệp dịch vụ lớn, và doanh nghiệp dịch vụ vừa và nhỏ.
Năm 2019 và năm 2020 có gần 200 doanh nghiệp đăng ký tham dự tại các hội đồng sơ tuyển cấp địa phương và cấp bộ, ngành. Từ danh sách này, Hội đồng quốc gia tiếp tục chọn ra các doanh nghiệp tiêu biểu nhất và xác nhận lại với chính quyền cấp địa phương để đảm bảo rằng doanh nghiệp được chọn tuân thủ các quy định về hoạt động, thuế, môi trường, v.v…, sau đó đề nghị Bộ KH&CN trình thủ tướng tặng giải. Bên cạnh việc đánh giá dựa trên hồ sơ, Giải thưởng có các nhóm chuyên gia thẩm định tại chỗ các doanh nghiệp đề xuất trao Giải Vàng.
Giải được xét chọn dựa trên 7 tiêu chí: Vai trò của lãnh đạo (120 điểm;
hoạch định chiến lược (85 điểm); định hướng vào khách hàng (85 điểm); đo
lường, phân tích và quản trị tri thức (90 điểm); định hướng vào nguồn
nhân lực (85 điểm); quản lý quá trình hoạt động (85 điểm) và kết quả
hoạt động (450 điểm). Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được trao cho doanh nghiệp đạt >600 điểm; và Giải
vàng Giải thưởng Chất lượng Quốc gia dành cho doanh nghiệp đạt >800 điểm và được đánh giá là
xuất sắc nhất trong số các doanh nghiệp tham gia.
“Đây là cơ hội để các doanh nghiệp thành công về năng suất và chất lượng được tôn vinh, ghi nhận một cách xứng đáng”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định nói tại buổi họp báo. “Hy vọng rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp có năng lực, có kết quả hoạt động tiêu biểu đáp ứng các tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia giúp cộng đồng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh. Sự gia tăng số lượng doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí Giải thưởng Chất lượng Quốc gia cho thấy chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam ngày càng được nâng cao”.
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia được thực hiện theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá, Nghị
định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 và Nghị định số 74/2018/NĐ-CP
ngày 15/5/2018 của Chính phủ. Giải thưởng thuộc hệ thống Giải thưởng
Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương (GPEA). Chính phủ đã giao
cho Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng)
chủ trì triển khai hoạt động Giải thưởng Chất lượng Quốc giahằng năm từ
cấp Trung ương đến địa phương.
|
Hoàng Nam