Cuộc thi do Trường Đại học Bách khoa phối hợp với Sở KH&CN TPHCM tổ chức, nhằm khuyến khích các ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của học sinh, sinh viên và nhóm khởi nghiệp trên cả nước.

Ban đầu, Cuộc thi chỉ dành cho sinh viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM, sau đó tiếp cận sinh viên các trường đại học trên địa bàn TPHCM và khu vực lân cận, rồi đến đối tượng là học sinh trung học phổ thông. Nhưng năm nay, Cuộc thi mở rộng cho các nhóm startup trên cả nước.

Việc nâng cấp cuộc thi, theo PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TPHCM, là xu hướng tất yếu, khi Nhà trường đã đưa hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trở thành chiến lược quan trọng của mình, phấn đấu trở thành trường đại học khởi nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế.

Cuộc thi gồm ba bảng: Bảng Start-up cho nhóm khởi nghiệp (dự án từ doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh không quá 5 năm); Bảng Sinh viên cho nhóm sinh viên, cựu sinh viên (thời gian tốt nghiệp không quá 2 năm tại thời điểm đăng ký), học viên cao học của các trường đại học, cao đẳng; và Bảng Học sinh trung học phổ thông.

Lĩnh vực dự thi dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ ở các lĩnh vực, tiêu biểu như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), chăm sóc sức khỏe, kỹ thuật môi trường, hóa học, cơ điện tử… Các dự án tham gia cuộc thi cần có tính đổi mới sáng tạo, phát triển các sản phẩm (hàng hóa hoặc dịch vụ), quy trình, có tính chất mới hay cải tiến đáng kể và có tiềm năng ứng dụng vào thực tiễn thương mại.

Xen kẽ giữa các vòng thi, các đội được hỗ trợ đào tạo kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua khóa đào tạo ngắn hạn, tư vấn/cố vấn từ chuyên gia, sử dụng Innovation FabLab phát triển sản phẩm mẫu, tham quan thực tế... Ngôn ngữ chính được sử dụng xuyên suốt Cuộc thi là tiếng Anh.

b
Màng bọc thực phẩm, giải Nhất Cuộc thi năm 2023. Ảnh: ĐHBK

Cuộc thi diễn ra đến ngày 5/10/2024, với tổng giá trị các giải thưởng hơn 500 triệu đồng. Ngoài ra, các đội đoạt giải được hỗ trợ phát triển ý tưởng khởi nghiệp của mình. Trong đó, các đội đoạt giải có quyền tham gia các hoạt động phát triển dự án như sử dụng Innovation Fablab tại Trường Đại học Bách khoa, gói dịch vụ tư vấn (pháp lý, đăng ký sở hữu trí tuệ, cố vấn 1:1,...).

Trải qua sáu mùa thi từ năm 2018, Bach Khoa Innovation đã thu hút 341 đội thi với hơn 1.300 học sinh, sinh viên đến từ gần 30 trường đại học, trung học phổ thông tại TPHCM và khu vực lân cận. Cuộc thi đã góp phần ươm tạo và phát triển các dự án khởi nghiệp với các sản phẩm có tiềm năng đưa ra thị trường.

Chẳng hạn như dự án “Màng bọc thực phẩm ăn được” đoạt giải Nhất năm 2023. Với hai nguồn nguyên liệu chitosan và lá ổi, nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM đã nghiên cứu, sản xuất là loại màng bọc có khả năng phân hủy sinh học, kháng khuẩn và kháng oxy hóa, giúp bảo quản thực phẩm lâu hơn, tránh các nguy cơ lây nhiễm chéo trong quá trình bảo quản. Ngoài ra, đây là loại màng bọc thực phẩm ăn được, an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng. Không những thế, chitosan còn có khả năng cân bằng hệ vi sinh đường ruột, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các vi sinh vật có lợi tại manh tràng, ruột già của vật nuôi.

B
Bánh Castella giàu chất xơ, giải Nhất Cuộc thi năm 2022. Ảnh: ĐHBK

Hay như dự án 'Bánh Castella cao cấp giàu chất xơ' đoạt giải Nhất năm 2022, thay thế một phần bột mì bằng nguyên liệu giàu chất xơ được thực hiện với đối tượng là thạch dừa thô hay còn được gọi là Nata de coco. Thạch dừa có hàm lượng cellulose vi khuẩn rất cao. Không giống như các nguồn xơ thực vật khác, với tên gọi là cellulose vi khuẩn, loại chất xơ này được bắt nguồn từ vi sinh vật. Nhóm đã sử dụng thạch dừa thô kết hợp vào bánh Castella, cho ra đời một loại thực phẩm chức năng với hương vị thơm ngon.

Ngoài ra, còn có thể kể đến dự án “Sản phẩm trà túi lọc an thần”, đoạt giải quán quân năm 2021, được phát triển từ nguồn hạt cây lục lạc lá ổi dài có hiệu quả giải stress, không gây tác dụng phụ.

Hạn cuối nhận hồ sơ dự thi ngày 6/8/2024.