Từ hai loại nguyên liệu chitosan và lá ổi, nhóm sinh viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM đã nghiên cứu và sản xuất ra màng bọc thực phẩm có thể ăn được.

Lê Yến Nhi, thành viên nhóm, cho biết, xuất phát từ mong muốn giảm thiểu lượng bao bì nhựa không phân hủy được, nhằm góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay, nhóm đã nghiên cứu và chế tạo ra màng bọc thực phẩm ăn được từ hai nguồn nguyên liệu phế phẩm là chitosan và lá ổi.

Theo nhóm nghiên cứu, chitosan có nhiều trong vỏ của động vật giáp xác. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu thủy hải sản lớn trên giới, nên phế phẩm vỏ tôm và đầu tôm rất nhiều nhưng vẫn chưa được tận dụng hiệu quả. Bên cạnh đó, chitosan là loại vật liệu có khả năng ức chế nhiều chủng vi sinh vật như vi khuẩn Gram âm, Gram dương và vi nấm, đặc biệt là đối với những loại vi khuẩn thường xuất hiện trong thực phẩm như Escherichia coli, Staphylococcus aureus, Salmonella typhimurium. Lá ổi cũng là một nguồn phế phẩm mang nhiều hoạt tính sinh học nhưng vẫn chưa được khai thác triệt để. Dịch chiết có trong lá ổi cũng mang tính kháng khuẩn.

BTC trao giải cho các đội thi.  Ảnh: BK
BTC trao giải cho các đội thi. Ảnh: BK

Với hai nguồn nguyên liệu nói trên, nhóm đã nghiên cứu, sản xuất là loại màng bọc có khả năng phân hủy sinh học, kháng khuẩn và kháng oxy hóa, giúp bảo quản được thực phẩm lâu hơn, tránh các nguy cơ lây nhiễm chéo trong quá trình bảo quản.

Yến Nhi cho biết, đây là loại màng bọc thực phẩm ăn được, an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng. Không những thế, chitosan còn có khả năng cân bằng hệ vi sinh đường ruột, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các vi sinh vật có lợi tại manh tràng, ruột già của vật nuôi.

Bên cạnh giải Nhất trị giá 30 triệu đồng, Ban tổ chức còn trao giải Nhì (trị giá 15 triệu đồng/giải) cho hai dự án “Bọt biển làm sạch dầu trong nước” và dự án “Chuyển đổi năng lượng sóng biển thành năng lượng sạch và giải quyết rác thải nhựa” (ĐHBK TPHCM). Hai giải Ba (trị giá 10 triệu đồng/giải), thuộc về nhóm CYNOSURE với giải pháp “Màn lọc than hoạt tính aerogel được tổng hợp từ cellulose” và nhóm The Minions (ĐHBK TPHCM) với “Băng vệ sinh sợi chuối’.

Màng bọc thực phẩm từ c
Màng bọc thực phẩm của đội giải Nhất. Ảnh: BK

Đối với khối THPT, giải Nhất (trị giá 3 triệu) được trao cho đội SAKARE (Trường THPT Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa và Phổ thông Năng khiếu TPHCM) với sản phẩm làm lành da và đuổi côn trùng tự nhiên từ hoa sa kê. Đội TOPAZ Trường Phổ thông Năng khiếu và Lê Quý Đôn (TPHCM) giành giải Nhì (trị giá 2 triệu) ở dự án Máy trao đổi sách và giải Ba (trị giá 1 triệu) thuộc về nhóm NAK Trường THPT Gia Định (TPHCM) với dự án Sản xuất nuciferin tinh khiết từ lá sen.

Cuộc thi Bách khoa Innovation do Trường ĐH Bách khoa TPHCM phối hợp với Sở KH&CN TPHCM tổ chức thường niên từ năm 2017. Đây là sân chơi để sinh viên hiện thực hóa các ý tưởng, mô hình sáng tạo khởi nghiệp và các nghiên cứu khoa học. Qua đó, giải quyết các nhu cầu thực tế của xã hội bằng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ và quản trị.

Cuộc thi được khởi động từ tháng 3/2023, thu hút 60 dự án tham gia. Vòng chung kết cuộc thi được tổ chức ngày 9/7 tại Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG-TPHCM.