Đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Pauline Tamesis, cho rằng việc giải phóng sự sáng tạo là yếu tố cốt lõi sẽ đưa Việt Nam trở thành trung tâm sáng tạo và đổi mới của khu vực.

Đại diện Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis cho rằng việc giải phóng sự sáng tạo là yếu tố cốt lõi sẽ đưa Việt Nam trở thành trung tâm sáng tạo và đổi mới của khu vực. Ảnh: MOST
Đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Pauline Tamesis, cho rằng việc giải phóng sự sáng tạo là yếu tố cốt lõi sẽ đưa Việt Nam trở thành trung tâm sáng tạo và đổi mới của khu vực. Ảnh: MOST

Ngày 19/4, nhân Lễ hưởng ứng Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới năm 2024 tại Bộ KH&CN, bà Pauline Tamesis, điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, đã phát đi thông điệp về việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững thông qua đổi mới sáng tạo.

Việt Nam đã tham gia vào Chương trình nghị sự 2030 với những hành động rõ ràng để đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030. Các mục tiêu này phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của người dân Việt Nam, bao gồm: xóa đói, giảm nghèo, nước sạch, năng lượng, bảo vệ rừng, sản xuất và tiêu dùng bền vững, tiếp cận giáo dục, bình đẳng giới, ứng phó với biến đổi khí hậu...

“Tuy nhiên, năm 2030 đang đến rất nhanh và chúng ta đang đi chệch hướng trong nhiều lĩnh vực. Hiện nay cần phải khẩn trương đẩy nhanh tiến độ mục tiêu phát triển bền vững ở mọi cấp độ. Việt Nam đang trên đà đạt được 5/17 mục tiêu, theo Đánh giá tự nguyện quốc gia về SDG 2023, và chúng tôi đang nỗ lực hỗ trợ Việt Nam đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu còn lại. Sự phát triển của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó Bộ KH&CN đóng vai trò then chốt, là công cụ chính để đạt được tiến bộ trong Chương trình nghị sự 2030 này”, bà Tamesis nhận xét.

Theo Liên hợp quốc, đổi mới sáng tạo khơi gợi cảm hứng cho các hành động và giải pháp mới, nhằm giải quyết những thách thức quan trọng mới nổi, đặc biệt là thông qua các công nghệ xanh. Những công nghệ này có thể giúp giảm lượng khí thải carbon, tăng cường tính bền vững của môi trường, cải thiện cuộc sống con người và mang lại các cơ hội kinh tế, cải thiện mức thu nhập cho người dân.

Bằng cách nuôi dưỡng sự đổi mới sáng tạo như đưa chúng vào bối cảnh chính trị và khuôn khổ pháp lý, Việt Nam sẽ mở ra cánh cửa cho những giải pháp phù hợp với các thách thức phải đối mặt.

“Tầm nhìn của Việt Nam về đổi mới sáng tạo, công nghệ và chuyển đổi số rất tham vọng nhưng đã cho thấy những tiến bộ và tiềm năng vượt trội. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 xếp Việt Nam ở vị trí thứ 46/132 quốc gia, đứng đầu trong số các quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Sự tiến bộ này là trọng tâm để Việt Nam đạt được tầm nhìn trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045”, bà Tamesis nói.

Bà tiết lộ, năm nay Liên hợp quốc và các quốc gia thành viên đang chuẩn bị cho một hội nghị thượng đỉnh bàn về tương lai. Một trong những kết quả quan trọng được mong đợi từ hội nghị thượng đỉnh này chính là việc các quốc gia thành viên (trong đó có Việt Nam) ký một “Cam kết Tương lai“ thừa nhận khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nguồn quan trọng của tăng trưởng kinh tế và phát triển công nghiệp. Một thành phần không thể thiếu khác của hội nghị sẽ là “Hiệp ước Kỹ thuật số Toàn cầu” giữa các nước, nhằm tạo ra một tương lai kỹ thuật số toàn diện, cởi mở, an toàn và bảo mật cho mọi người.

Các chương trình mà Việt Nam đang triển khai - ví dụ như Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng 2030 - rất phù hợp với tinh thần của hai hiệp ước này. Đây là một minh chứng cho cam kết quốc gia trong việc tận dụng công nghệ kỹ thuật số để tăng cường quản trị và thúc đẩy phát triển xã hội.

Với chủ đề của Ngày Sáng tạo và Đổi mới sáng tạo thế giới mà Liên hợp quốc đặt ra cho năm nay là “INSPIRE - Truyền cảm hứng”, Liên hợp quốc này muốn phản ánh vai trò quan trọng của giáo dục trong việc nuôi dưỡng trí tuệ sáng tạo cho thế hệ trẻ, đặc biệt là trao quyền cho thanh niên trong các lĩnh vực STEM - khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

“Tôi biết [STEM] là lĩnh vực mà Việt Nam rất coi trọng và tôi có thể đảm bảo rằng Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng coi trọng chúng như thế. Nhưng trong nhiệm vụ này, chúng ta đừng quên rằng đổi mới sáng tạo không nên chỉ giới hạn ở các lĩnh vực công nghệ cao với các nhà khoa học được đào tạo chuyên sâu, mà cần mang tính bao trùm bằng cách tạo điều kiện cho các nhà đổi mới sáng tạo cấp cơ sở, đặc biệt là thanh thiếu niên và người dân tộc thiểu số”, bà Tamesis nói.