Chương trình KC.05 mong muốn 50% số nhiệm vụ có doanh nghiệp tham gia phối hợp thực hiện, với 20% trong số đó do doanh nghiệp chủ trì thực hiện.
Ngày 20/10 tại TPHCM, Ban Chủ nghiệm Chương trình KC.05/21-30 chủ trì, phối hợp với Văn phòng các Chương trình trọng đểm cấp nhà nước và Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH&CN) đã tổ chức hội thảo “Thực trạng và định hướng phát triển KH&CN lĩnh vực năng lượng”.
Chương trình KH&CN cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2023 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng” (Chương trình KC.05/21-30) được Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt ngày 8/7/2022 tại Quyết định số 1217/QĐ-BKHCN.
Mục tiêu của Chương trình nhằm ứng dụng và làm chủ các công nghệ, thiết bị tiên tiến trong thăm dò, khai thác, sản xuất và sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng sơ cấp, sạch, sinh học, tái tạo, góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, phát triển công nghệ, thiết bị tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, độ an toàn, tin cậy trong sản xuất, truyền tải, phân phối và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Chương trình cũng đặt ra mục tiêu tiếp thu, ứng dụng, phát triển công nghệ lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu và công nghệ bức xạ, đồng vị phóng xạ trong các ngành, lĩnh vực.
GS.TS Lê Minh Phương thuộc Ban chủ nhiệm chương trình K05 cho biết, trong giai đoạn tới, Chương trình mong muốn 50% số nhiệm vụ có doanh nghiệp tham gia phối hợp thực hiện với 20% trong số đó do doanh nghiệp chủ trì thực hiện. Ngoài ra, có 70% công nghệ, dây chuyền, thiết bị tạo ra có tính năng tương đương với sản phẩm tiên tiến cùng loại của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; và 50% số nhiệm vụ có kết quả được ứng dụng, trong đó 20% số nhiệm vụ có khả năng thương mại hóa.
"Doanh nghiệp có thể đề xuất tham gia Chương trình KC.05, tập trung vào các vấn đề doanh ngiệp đang gặp phải, cần giải quyết, nhằm đảm bảo bài toán an ninh, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng", ông Phương nói.
Theo ông Trần Đình Quyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tín Thành, cần có cơ chế giao doanh nghiệp trực tiếp thực hiện nhiệm vụ, các nhà khoa học tham gia để định hướng chuyên môn. Ông cho biết, hiện Công ty Tín Thành có 4 dự án nhà máy điện trên cả nước, trong đó sử dụng công nghệ sinh khối dùng bã cao lương đốt phát điện và công nghệ sản xuất hydro từ nước. Công ty có nguồn vốn và đối tác từ Mỹ, sẵn sàng hợp tác với các nhà khoa học dưới dạng đề tài nghiên cứu và xây dựng hồ sơ pháp lý để phát triển các dự án này.
PGS.TS Nguyễn Huy Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội, thì cho rằng, để đảm bảo khả năng làm chủ công nghệ và vận hành an toàn ổn định hệ thống điện có tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo, sự đầu tư vào nghiên cứu KH&CN và các kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực có vai trò then chốt. Trong đó, nhân lực chất lượng cao cần được đào tạo từ các chương trình có tính liên và xuyên ngành. Bên cạnh đó, cần cần có sự phối hợp tích cực giữa đơn vị đào tạo và sử dụng lao động.
Ông lấy ví dụ cụ thể tại Đại học Bách khoa Hà Nội, các chương trình đào tạo có sự tham gia từ các đối tác công nghiệp. Ngoài mục tiêu tăng tài trợ nghiên cứu, qua việc liên kết với đối tác công nghiệp, các nhà nghiên cứu, sinh viên có cơ hội tiếp cận các cơ sở vật chất hiện đại, tạo cơ hội cho các em có nền tảng vững chắc với kiến thức và cái nhìn mới mẻ về các công nghệ mới. Bên cạnh đó, nhờ sự liên kết này, sinh viên được tiếp cận nhanh với vị trí công việc tiềm năng, qua đó đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của ngành điện trong bối cảnh tỷ trọng ngày càng tăng của các nguồn năng lượng tái tạo.