Việc làm chủ công nghệ khai thác và chế biến đất hiếm là yếu tố quan trọng để phát triển bền vững ngành công nghiệp đất hiếm tại Việt Nam.
Mặc dù có trữ lượng đất hiếm đứng thứ hai trên thế giới (22 triệu tấn) song tình hình khai thác, chế biến các mỏ đất hiếm của Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế. “Một trong những nguyên chính là do chúng ta chưa có công nghệ hoàn chỉnh để khai thác, chế biến đất hiếm. Đây là lĩnh vực mà các nước đều giữ độc quyền”, GS. Châu Văn Minh, Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam phát biểu trong hội thảo “Đất hiếm Việt Nam: Thực trạng công nghệ khai thác, chế biến và triển vọng” do Bộ KHC&N phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam tổ chức vào ngày 18/10.
Đất hiếm là nguồn nguyên liệu không thể thiếu trong nhiều ngành công nghệ cao, bao gồm sản xuất các linh kiện trong điện thoại di động, pin năng lượng, mô tơ điện hiệu suất cao, tivi màn hình phẳng, thiết bị quốc phòng và các công nghệ năng lượng sạch khác. Theo báo cáo, các mỏ đất hiếm ở Việt Nam có quy mô trung bình đến lớn, chủ yếu là đất hiếm nhóm nhẹ (nhóm lantan - ceri), có nguồn gốc nhiệt dịch và tập trung ở vùng Tây Bắc Việt Nam.
Một số mỏ đã được tiến hành khai thác gồm mỏ đất hiếm Đông Pao (Lai Châu) do Công ty CP Đất hiếm Lai Châu (LAVRECO) thực hiện. Mỏ đất hiếm Yên Phú (Yên Bái) đã được Bộ TN&MT cấp phép khai thác cho Công ty CP Tập đoàn Thái Dương. Mỏ đất hiếm Bến Đền (Lào Cai) do Công ty CP Công nghiệp Khánh An phụ trách thăm dò. Mỏ đất hiếm Nam Nậm Xe và Bắc Nậm Xe (Lai Châu) được cấp phép thăm dò cho Công ty TNHH Xây dựng Hưng Hải.
Tuy vậy, “đến nay chúng ta vẫn chưa khai thác và chế biến được một mỏ đất hiếm nào theo đúng nghĩa của nó”, GS. Châu Văn Minh nhận định. Các doanh nghiệp được cấp mỏ khai thác đất hiếm ở Việt Nam hiện nay vẫn chưa làm chủ được công nghệ chế biến ra sản phẩm đạt yêu cầu như đất hiếm tổng hợp có hàm lượng lớn hơn 95%, chưa có công nghệ tách chiết ra các sản phẩm đất hiếm riêng rẽ. Việt Nam mới chỉ dừng lại ở công đoạn chế biến tinh quặng đất hiếm có hàm lượng khoảng 30%.
Một số đơn vị nghiên cứu như Viện Công nghệ xạ hiếm (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam), Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã thực hiện các nghiên cứu về phân chia, tinh chế đất hiếm từ khá sớm, đơn cử như nghiên cứu sử dụng phương pháp trao đổi ion để tách đất hiếm từ năm 1975. Nhiều nghiên cứu khác về công nghệ tinh chế các nguyên tố đất hiếm, tách chiết, làm sạch các oxit đất hiếm đã được thực hiện từ đó đến nay. Tuy nhiên, hầu hết các phương pháp mới triển khai trong phòng thí nghiệm, chưa có công nghệ nào áp dụng vào thực tế. Trong khi đó, chỉ một số ít các quốc gia trên thế giới có công nghệ chế biến sâu đất hiếm nhưng họ đều giữ bản quyền, bí mật và không chuyển giao công nghệ.
Do đó, các đại biểu đề xuất cần tăng cường đầu tư nghiên cứu trong lĩnh vực đất hiếm, tập trung vào công nghệ khai thác và làm giàu đất hiếm, cũng như công nghệ chiết tách, làm sạch và chế biến sâu đến kim loại. Bên cạnh đó, công nghệ cảnh báo, kiểm soát, xử lý môi trường trong quá trình khai thác cũng là yếu tố cần quan tâm nhằm đảm bảo phát triển bền vững ngành đất hiếm Việt Nam.
Việc kết nối các đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp trong hội thảo đã mang đến cơ hội giải quyết những bài toán của ngành đất hiếm. Sau hội thảo, Công CP Chế biến đất hiếm Lai Châu đã ký kết hợp tác với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nhằm triển khai nghiên cứu công nghệ khai thác và chế biến đất hiếm từ quặng nguyên khai. "Hội thảo thực sự là cơ hội để kết nối các tổ chức nghiên cứu, các nhà khoa học với các doanh nghiệp trong lĩnh vực khai thác và chế biến đất hiếm tại Việt Nam. Qua đó, thúc đẩy sự hợp tác trong nghiên cứu và triển khai các hoạt động tư vấn, chuyển giao, hoàn thiện công nghệ phục vụ nhu cầu phát triển của doanh nghiệp”, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá.