Theo tính toán gần đây của tổ chức tư vấn Ember, năng lượng gió và mặt trời tăng mạnh và đạt con số kỷ lục là 12% sản lượng điện thế giới. Tuy nhiên, than vẫn là nguồn năng lượng chính trên toàn cầu, chiếm 36% sản lượng.

Báo cáo đã cung cấp ước tính mới nhất về sự tăng trưởng của năng lượng tái tạo khi nhiều quốc gia đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát thải để kiềm chế tình trạng biến đổi khí hậu và đảm bảo nguồn năng lượng thay thế, sau khi nước xuất khẩu khí đốt là Nga xung đột với Ukraine vào tháng 2/2022.

“Mức tăng trưởng kỷ lục về năng lượng gió và mặt trời khiến cường độ phát thải của ngành điện thế giới xuống mức thấp nhất trong năm 2022”, tổ chức tư vấn (think tank) Ember nhận xét trong Đánh giá điện toàn cầu của mình.

Năng lượng từ các turbine gió và tấm năng lượng mặt trời đã tăng lên 12% từ con số 10% vào năm 2021 và 5% vào năm 2015.

Điện gió và điện mặt trời tại Quy Nhơn. Ảnh: Phương Anh
Điện gió và điện mặt trời tại Quy Nhơn. Ảnh: Phương Anh

Các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện hạt nhân, chiếm 39% điện năng toàn cầu.

Phần còn lại tới từ các nhiên liệu hóa thạch phát thải ra khí carbon khiến trái đất ấm lên: dầu, khí đốt và than. Than là nguồn lớn nhất, chiếm 36%.

Với nhu cầu về điện tiếp tục tăng cao, sản xuất than tăng 1,1% - thấp hơn mức dự kiến, theo Ember.

Các nhà khoa học và Cơ quan Năng lượng Quốc tế nhận định chúng ta phải giảm mạnh việc sử dụng các nhiên liệu hóa thạch để đạt được mục tiêu quan trọng là hạn chế tình trạng trái đất ấm lên ở mức 1,5oC.

Các quốc gia tại hội nghị khí hậu COP26 vào năm 2021 đã đồng thuận “giảm dần” việc sử dụng than, loại nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất, song quá trình này bị hạn chế và các nhà máy điện than mới đang được dự kiến xây dựng, nhất là ở Ấn Độ và Trung Quốc.

Các nhà khoa học dự báo năm 2023 có sự giảm nhẹ về nhiên liệu hóa thạch. Xu hướng này sẽ tiếp tục mạnh lên khi năng lượng gió và mặt trời phát triển hơn trong những năm tới. Như vậy đồng nghĩa với việc năm 2022 đã đạt mức phát thải cao nhất. Một kỷ nguyên mới mà phát thải năng lượng giảm đang cận kề.

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính tới tháng 2/2023, sản lượng điện huy động từ nguồn năng lượng tái tạo đạt 6,45 tỷ kWh, chiếm 16,7% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống (trong đó điện mặt trời đạt 3,87 tỷ kWh, điện gió đạt 2,4 tỷ kWh).

Theo thống kê của Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), tính đến cuối năm 2020, Việt Nam nằm trong Top 10 quốc gia có công suất lắp đặt năng lượng mặt trời cao nhất thế giới. Xét đến tiềm năng điện mặt trời và các mục tiêu năng lượng xanh đến năm 2050, Việt Nam có đủ điều kiện để trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới về năng lượng tái tạo. Về các dự án điện gió, Việt Nam có một trong những nguồn tài nguyên gió tốt nhất ở Đông Nam Á, với tiềm năng ước tính là 311 GW.

Nguồn: