Dự án hợp tác giữa Đức và Việt Nam tập trung vào việc phát triển lưới điện thông minh có khả năng tích hợp nhiều nguồn năng lượng tái tạo vốn phân tán và không ổn định lên hệ thống, hỗ trợ Việt Nam chuyển dịch dần từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

Trong bối cảnh tích hợp năng lượng tái tạo, lưới điện của Việt Nam cần trở nên hiện đại và linh hoạt hơn | Ảnh minh họa: IStock
Trong bối cảnh tích hợp năng lượng tái tạo, lưới điện của Việt Nam cần trở nên hiện đại và linh hoạt hơn | Ảnh minh họa: IStock

Được triển khai từ năm 2017, dự án "Lưới điện thông minh cho năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng" (SGREEE) trị giá 5.5 triệu Euro là một phần trong khuôn khổ Sáng kiến Công nghệ khí hậu của Đức do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển CHLB Đức ủy quyền cho Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) thực hiện tại Việt Nam với hai đối tác chính là Bộ Công Thương và Cục Điều tiết Điện lực (ERAV).

Dự án tập tập trung vào việc phát triển các lưới điện thông minh có khả năng tích hợp nhiều nguồn năng lượng tái tạo mới vốn phân tán và không ổn định lên hệ thống, hỗ trợ Việt Nam chuyển dịch dần từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo.

Tại lễ tổng kết kết thúc Dự án ngày 23/6 tại Hà Nội do ERAV và GIZ phối hợp tổ chức, ông Dương Mạnh Cường, cán bộ cấp cao của dự án, cho biết sau 5 năm thực hiện, SGREEE đã đạt được nhiều thành công, tập trung vào 3 lĩnh vực chính: Hoàn thiện khung pháp lý và chính sách, Nâng cao năng lực, và Hợp tác kỹ thuật.

Trong đó, ở lĩnh vực “Hoàn thiện khung pháp lý chính sách”, Dự án đã hỗ trợ cung cấp thông tin và tư vấn chiến lược cho ERAV và các bên liên quan trong việc đề xuất việc sửa đổi, cập nhật Lộ trình Lưới điện thông minh do Chính phủ ban hành năm 2012, đề xuất sửa đổi Luật Điện lực và thúc đẩy chương trình điều chỉnh phụ tải ở Việt Nam.

Đặc biệt, SGREEE đã đưa ra các nghiên cứu phân tích về dải tần suất và điện áp cũng như khả năng chịu đựng của lưới điện trước những biến đổi của điện áp trong trường hợp tích hợp nguồn điện tái tạo lên lưới; đề xuất các giải pháp quản lý về quy hoạch và vận hành khi cắt giảm năng lượng tái tạo lên lưới nhằm giải quyết những tình huống như nghẽn mạch do năng lượng tái tạo phát triển quá nóng ở một số địa bàn giai đoạn 2020-2021; thúc đẩy chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) với khu vực công nghiệp, thương mại; đề xuất các cơ chế tài chính khuyến khích thực hiện DR thông qua biểu giá công suất cực đại tới hạn (CPP) và đưa ra phương pháp phân tích chi phí - lợi nhuận của các cơ chế khuyến khích đó.

Các chuyên gia trong nhóm Dự án SGREEE tại tại lễ tổng kết dự án ngày 23/6. Ảnh: BTC
Các chuyên gia và đối tác của nhóm Dự án SGREEE tại lễ tổng kết ngày 23/6. Ảnh: BTC

Trong lĩnh vực “Nâng cao năng lực”, Dự án đã thành lập website Trung tâm Chia sẻ Kiến thức Việt Nam về lưới điện thông minh (http://smart-grid.vn/) và Cộng đồng Lưới điện Thông minh Việt Nam trên Facebook với gần 1.000 thành viên (https://www.facebook.com/groups/smartgridvn).

Bên cạnh đó, Dự án đã tổ chức một loạt các buổi đào tạo cho các kỹ sư trong hệ thống điện Việt Nam về tích hợp năng lượng tái tạo lên lưới, và tổ chức thành công sự kiện Tuần lễ Lưới điện Thông minh Việt Nam 2019 - sự kiện cấp quốc gia đầu tiên về phát triển lưới điện thông minh ở Việt Nam.

Ở lĩnh vực “Hợp tác công nghệ”, Dự án đã tạo điều kiện cho các chuyên gia ngành điện được học hỏi, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm về các giải pháp công nghệ hiện đại đối với hệ thống cung cấp điện thông minh ở tầm quốc tế, cũng như những lợi ích mà các giải pháp này có thể mang lại cho ngành điện Việt Nam.

Trong số các giải pháp công nghệ, Dự án đã giới thiệu một cách toàn diện về mô hình Nhà máy điện ảo (VPP) - công cụ quan trọng để theo dõi, dự báo và kiểm soát từ xa một số lượng lớn nguồn năng lượng tái tạo phân tán. Ngoài ra, Dự án còn giới thiệu một loạt công cụ dự báo sản lượng điện tái tạo và nhu cầu điện trong ngắn, trung và dài hạn.

“Nhóm làm việc của chúng tôi tự hào là một trong những bên đã góp phần tạo ra những thay đổi giúp ngành điện Việt Nam tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn quốc tế về điều tiết lưới”, ông Henri Wasnick, cố vấn kỹ thuật của dự án chia sẻ.

Trong 5 năm qua, Việt Nam chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của các nguồn năng lượng tái tạo và nhiều đổi thay quan trọng trong chính sách.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năng lượng tái tạo đã đạt được những bước tiến lớn về nguồn, nhưng tốc độ phát triển 'nóng' của điện mặt trời và điện gió đang làm quá tải hệ thống lưới điện quốc gia.

Năm 2020, hơn 100.000 công trình năng lượng mặt trời trên mái nhà được lắp đặt và ít nhất 15 nhà máy năng lượng mặt trời đã được kết nối vào lưới điện. Năm 2021, có ít nhất 84 nhà máy điện gió đi vào hoạt động.

Do công suất điện mặt trời và điện gió đã vượt quá khả năng hòa lưới điện, năm 2022, Trung tâm Điều phối Hệ thống điện Quốc gia của Việt Nam đã thông báo tạm dừng phê duyệt mới các dự án năng lượng mặt trời và gió.

Để đảm bảo mục tiêu năng lượng tái tạo đạt 50% trong cơ cấu nguồn điệnvào năm 2045, EVN sẽ phải nâng cấp quy hoạch và đầu tư mở rộng lưới điện.

Đánh giá lưới điện thông minh ở Việt Nam

Lưới điện thông minh là một hệ thống truyền tải điện từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, có khả năng tự theo dõi và phân phối dòng điện một cách độc lập để đạt được hiệu quả năng lượng tối đa.

Năm 2012, Chính phủ đã ban hành Lộ trình Lưới điện thông minh theo 3 giai đoạn:

+ Giai đoạn 1 (từ năm 2012-2016): Tăng cường hiệu quả vận hành hệ thống điện về độ tin cậy, tối ưu hóa vận hành, giảm tổn thất điện năng; Tăng cường hệ thống ghi sự cố, hệ thống phát điện và chống sự cố mất điện diện rộng nhằm đảm bảo truyền tải an toàn; Triển khai một số chương trình thử nghiệm và nghiên cứu, ban hành các quy định tiêu chuẩn kỹ thuật cho Lưới điện thông minh...

+ Giai đoạn 2 (từ năm 2017-2022): Tiếp tục thực hiện chương trình tăng cường hiệu quả vận hành hệ thống điện, tập trung vào lưới điện phân phối; trang bị kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin – viễn thông cho lưới điện phân phối. Đồng thời, triển khai các ứng dụng của Lưới điện thông minh; xây dựng các quy định kỹ thuật, chương trình truyền thông cho cộng đồng.

+ Giai đoạn 3 (sau năm 2022): Tiếp tục chương trình trang bị kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin – viễn thông cho lưới phân phối, trong đó sẽ triển khai tiếp các công cụ tối ưu vận hành từ lưới điện truyền tải sang lưới điện phân phối; tiếp tục khuyến khích việc phát triển các nhà máy điện phân tán...

Tháng 3/2022, nhóm nghiên cứu SGREEE đã công bố kết quả đánh giá lưới điện thông minh của Việt Nam, và đưa ra so sánh lưới điện của Việt Nam với một số quốc gia tiên tiến trên thế giới, từ đó khuyến nghị các biện pháp mà Việt Nam cần thực hiện để cải thiện 8 chỉ số trong Lộ trình phát triển lưới điện thông minh.
Đánh giá chỉ số lưới điện thông minh của Việt Nam | Nguồn: GIZ


7 chỉ số được đánh giá dựa trên so sánh hiện trạng của Việt Nam với thông lệ tốt nhất của thế giới, bao gồm: Giám sát và điều khiển (64,3%), Phân tích dữ liệu (48%), Độ tin cậy của nguồn cung (71,4%), Tích hợp nguồn năng lượng phân tán (33,3%), Năng lượng xanh (51%), Trao quyền và Sự hài lòng của khách hàng (60%), Thị trường năng lượng (0%),

Riêng chỉ số về "An ninh mạng" không có thông tin do các đơn vị vận hành lưới điện chưa công khai với người dân cách họ bảo đảm an ninh và bảo vệ mạng lưới của mình trước các đợt tấn công mạng.

Tổng kết, các chuyên gia của dự án SGREEE đánh giá lưới điện thông minh của Việt Nam đạt 47%. Lưới điện tốt nhất là của Mỹ và Vương Quốc Anh đều đạt 85%.