Ngày 19/10, tại TPHCM, Ban Chủ nghiệm Chương trình KC.06/21-30 chủ trì, phối hợp với Văn phòng các Chương trình trọng đểm cấp nhà nước và Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật (Bộ KH&CN) đã tổ chức hội thảo “Thực trạng và định hướng phát triển KH&CN phục vụ ngành công nghệ môi trường giai đoạn 2021 – 2030”.

Chương trình KH&CN cấp quốc gia đến năm 2023 "Nghiên cứu ứng dụng và phát triển ngành công nghệ môi trường" được Bộ trưởng Bộ KH&CN ký phê duyệt tại Quyết định số 1002/QĐ-BKHCN ngày 15/6/2022, với mã số KC.06/21-30. Chương trình có mục tiêu ứng dụng và phát triển các công nghệ tiên tiến xử lý, tái chế chất thải, quan trắc, giám sát và kiểm soát ô nhiễm môi trường. Đồng thời, phát triển các công nghệ sản xuất, chế tạo thiết bị, phương tiện, sản phẩm phục vụ phòng ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải, ứng phó sự cố, thảm họa môi trường phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

GS.TS Huỳnh Trung Hải, Hiệu trưởng Trường Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội, Chủ nhiệm Chương trình KC.06, cho biết, Chương trình ưu tiên 5 nhóm công nghệ phục vụ giải quyết các vấn đề lĩnh vực môi trường. Trong đó, nhóm 1 nghiên cứu xử lý chất thải (nước, khí, chất thải rắn), công nghệ quan trắc môi trường, kiểm soát ô nhiễm. Nhóm 2 nghiên cứu ứng dụng sản xuất vật liệu chế phẩm phục vụ phòng ngừa, xử lý ô nhiễm và khắc phục sự cố môi trường. Nhóm 3 tập trung vào cácthiết bị, phương tiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải và tái chế sử dụng chất thải. Nhóm 4 thiết kế chế tạo thiết bị, dụng cụ ứng dụng phân tích, quan trắc, giám sát ô nhiễm môi trường, cảnh báo tự động. Nhóm 5 hướng đến các công nghệ sản xuất thiết bị, phương tiện và sản phẩm phòng ngừa, ứng phó sự cố trong quá trình sản xuất và thảm họa môi trường quy mô công nghiệp, cũng như hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp môi trường. Từ nay đến năm 2027, có 2/3 các nghiên cứu là các dự án thử nghiệm công nghệ, để tăng cường khả năng ứng dụng thực tế.

Ngoài ra, việc tuyển chọn các công trình khoa học lĩnh vực này hướng đến khuyến khích các nghiên cứu phát triển dây chuyền công nghệ, trang thiết bị, máy móc quy mô pilot (phòng thí nghiệm), tiến tới phát triển lên bán công nghiệp và công nghiệp phù hợp điều kiện sản xuất Việt Nam.

Chương trình cũng đặt mục tiêu 100% đề tài có kết quả được công bố trên các tạp chí KH&CN quốc gia, 30% số nhiệm vụ có bài báo quốc tế; và 50% nhiệm vụ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong đó sáng chế chiếm 20%.

v
Trao đổi định hướng phát triển KH&CN ngành môi trường tại Hội thảo. Ảnh: HA

TS Trần Văn Lương, Chủ tịch Hiệp hội Công nghệ môi trường Việt Nam, trích dẫn thống kê, nghiên cứu của Hiệp hội Công nghệ Môi trường Việt Nam để cho thấy, hiện nay chưa có công trình nghiên cứu tổng thể nào về ngành công nghiệp môi trường (CNMT); giá trị đóng góp về kinh tế, môi trường và xã hội của ngành CNMT cũng chưa được thống kê cụ thể. Trên thực tế, doanh nghiệp CNMT trong nước đang tái chế chất thải điện tử, nhựa, giấy chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ tại các làng nghề với công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm thứ cấp. Bên cạnh đó, các hạng mục xử lý như bụi, NOx, Sox và các hóa chất độc hại, đều do các nhà cung cấp nước ngoài làm chủ.

Việc áp dụng các công nghệ tái chế chất thải quy mô công nghiệp gặp khó khăn vì chất thải đa dạng về chủng loại, khối lượng nằm rải rác trên toàn quốc, chi phí thu gom vận chuyển lớn, công tác quy hoạch còn yếu và thiếu, phần lớn là tự phát ở các doanh nghiệp tư nhân. Cả nước chưa hình thành được cụm công nghiệp tái chế.

v
Nghiên cứu xử lý nước thải là ưu tiên của Chương trình KC.06. Ảnh: Internet

Vì vậy, ông Lượng kiến nghị, Chính phủ và các bộ, ngành cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ nhằm thu hút đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân, phát triển nguồn cung ứng sản phẩm CNMT. Bên cạnh đó, cần ban hành đơn giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải theo loại hình công nghệ được áp dụng. Các doanh nghiệp cung ứng công nghệ, thiết bị, sản phẩm CNMT cần tự chủ, liên doanh, liên kết, để tăng cường năng lực về vốn, KH&CN, tiếp cận thị trường, để nâng cao năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam, Công ty cổ phần thương mại xây dựng Đa Lộc, bày tỏ mong muốn tham gia đầu tư các công trình thuộc chương trình nghiên cứu ứng dụng công nghệ môi trường. Ông cho rằng, với các lĩnh vực ưu tiên cần xây dựng một lộ trình chi tiết và có các tiêu chí đánh giá rõ ràng, cũng như tiềm năng nhân rộng của từng công trình để doanh nghiệp tham gia. Ông cho rằng, Chương trình có sự đầu tư từ ngân sách và doanh nghiệp, nên vấn đề chia sẻ bản quyền sở hữu trí tuệ khi tham gia các nghiên cứu cần có cơ chế phân quyền hợp lý để hài hòa lợi ích giữa các bên.

Ông Nguyễn Xuân Huynh, Hiệp hội CNMT Việt Nam, thì cho rằng, với điều kiện quản lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay ở Việt Nam, công tác phân loại rác tại nguồn còn nhiều bất cập thì trong vòng 30 năm tới, công nghệ đốt thu hồi năng lượng là giải pháp chủ đạo, phù hợp và hiệu quả nhất. Song song với quá trình này, cần thúc đẩy phân loại rác tại nguồn và sử dụng một số công nghệ khác, chủ yếu là công nghệ sinh hóa (đối với chất thải hữu cơ được phân loại), công nghệ tái chế, thu hồi vật liệu và năng lượng. Để triển khai định hướng sử dụng các công nghệ phù hợp như trên, theo ông Huynh cần có quy hoạch liên kết vùng, kết hợp quy hoạch chi tiết của từng địa phương, để đảm bảo khối lượng xử lý đủ hiệu quả cho các nhà máy ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, phát triển chuỗi thu gom và xử lý trung gian tiên tiến, đảm bảo chất thải được quản lý, phân loại và vận chuyển đến các cơ sở xử lý phù hợp.