8 trong tổng số 15 sáng kiến vào chung kết được nhận tài trợ để triển khai trong sáu tháng.
Cuộc thi Sáng kiến thanh niên chuyển đổi năng lượng đảm bảo công bằng xã hội do Viện Friedrich-Ebert-Stiftung (FES) Việt Nam tổ chức lần đầu tiên, dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Sau hơn một tháng triển khai, cuộc thi đã thu hút gần 50 dự án đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước. Ban tổ chức đã chọn ra 15 sáng kiến vào vòng chung kết ngày 17/9 tại Viện Goethe Hà Nội.
Kết quả, 8 sáng kiến được FES quyết định trao tài trợ ngay để triển khai trong sáu tháng, gồm:
- Sáng kiến “Nghiên cứu chế tạo hệ thống xử lý nước thải cường độ cao sử dụng năng lượng mặt trời cho trang trại nuôi tôm siêu thâm canh” của nhóm ở Trường Đại học Cần Thơ nhằm mục đích thiết kế một mô hình thí điểm đặt tại Khoa Thủy Sản, Trường Đại học Cần Thơ, trong đó có một hệ thống nguồn điện theo cấu trúc lưới điện siêu nhỏ (micro grid) sử dụng điện mặt trời kết hợp lưu trữ và điện lưới để cung cấp năng lượng cho trang trại, một hệ thống lọc nước tự động cường độ từ 80-100m3/ngày có khả năng loại bỏ các chất rắn lơ lửng đạt tiêu chuẩn nước của Việt Nam và một hệ thống giám sát các thông số điện và môi trường để tối ưu hóa chi phí vận hành của trang trại.
- Sáng kiến “Tuần hoàn năng lượng thủy sản” của nhóm Nguyễn Quốc Vương với mục đích hoàn thiện quy trình nuôi trồng và thu hồi vi tảo từ nguồn nước thải thủy sản và thử nghiệm mô hình này tại chợ thủy sản Thọ Quang - Đà Nẵng, thông qua đó thu hút doanh nghiệp và hộ gia đình xung quanh tham gia vào chuỗi liên kết để tạo thêm thu nhập và góp phần xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường ở chợ địa phương.
- Sáng kiến “Nhà vườn tiết kiệm năng lượng” của nhóm Heo Đất nhằm cung cấp kiến thức về thực hành tiết kiệm năng lượng trong nông nghiệp và sinh hoạt cho 20 hộ làm vườn và dịch vụ du lịch tại khu du lịch cộng đồng Cồn Sơn, Bình Thủy, Cần Thơ, đồng thời hỗ trợ các hộ gia đình này thay lắp thiết bị tiết kiệm điện, thiết bị quan sát chỉ số điện, thực hành ủ phân hữu cơ,... để tạo ra các mô hình nhà vườn mẫu về tiết kiệm năng lượng.
- Sáng kiến “Ánh Sáng - The Light Project” của nhóm Frogsleap Vietnamhướng tới việc lắp đặt một hệ thống pin mặt trời 5kWp cung cấp điện chiếu sáng cho Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, huyện Ea Súp, Đắk Lắk và vận hành hệ thống lọc nước sạch của trường và các hộ gia đình xung quanh.
- Sáng kiến “Nhà Duông và chuyển đổi năng lượng tại cộng đồng dân tộc thiểu số Cơ Tu Quảng Nam” của nhóm CTV Môi trường Việt Nam với mục tiêu cung cấp điện chiếu sáng từ năng lượng mặt trời cho các nhà Duông ở hai huyện Đông Giang và Tây Giang tại tỉnh Quảng Nam, thông qua đó truyền cảm hứng và giúp đồng bào dân tộc Cơ Tu duy trì các hoạt động tâm linh, văn hóa gắn với nhà Duông – vốn là một không gian sinh hoạt nhiều thế hệ được dựng lên gần rừng hoặc trong rừng để giữ gìn rừng tự nhiên và phát triển sinh kế dựa vào rừng.
- Sáng kiến “Tập huấn về hiện trạng sử dụng năng lượng và tuyên truyền khuyến khích hành động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả tại trường học” của nhóm ở Trường Đại học Nha Trang nhằm tập huấn sinh viên về hiện trạng sử dụng năng lượng và lượng phát thải CO2 tại TP Nha Trang, từ đó các sinh viên sẽ tổ chức những chương trình tập huấn, truyền thông, mentor khác về năng lượng cho học sinh ở các trường THCS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
- Sáng kiến "Cuộc thi thơ Nguồn sáng của tôi" của nhóm Vườn Cỏ Ươm, hướng tới việc tổ chức một sân chơi nghệ thuật để các bạn trẻ miền Nam quan tâm tới chủ đề năng lượng được thể hiện suy nghĩ, cất lên tiếng nói và quan điểm của mình về năng lượng thông qua hình thức viết thơ.
- Sáng kiến “Năng lượng và thiết kế kiến trúc” của nhóm Kiến ECO, với mong muốn nâng cao nhận thức cho các bạn trẻ trong khối ngành xây dựng-kiến trúc ở TPHCM về các vấn đề biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng và phát triển bền vững thông qua ba hoạt động chính: tổ chức cuộc thi nhiếp ảnh công trình xanh tiết kiệm năng lượng, talkshow về năng lượng và kiến trúc tiết kiệm năng lượng, và workshop/thực hành làm dự án nhanh trong 12 tiếng về thiết kế nhà ở tiết kiệm năng lượng.
Ngoài ra, BTC sẽ cân nhắc chọn thêm 2 trong số 5 sáng kiến tiềm năng để trao tài trợ, đó là:
- Sáng kiến “Thúc đẩy chuyển dịch năng lượng thông qua ứng dụng các sản phẩm công nghệ” của nhóm Quảng Trịnhằm tuyển chọn các sản phẩm công nghệ có tích hợp năng lượng mặt trời do 30 bạn học sinh và sinh viên từ các trường THCS, THPT, đại học ở Quảng Trị chế tạo, hướng tới giải quyết những vấn đề mà ngành nông nghiệp địa phương đang gặp phải.
- Sáng kiến “Truyền thông thay đổi hành vi và tiết kiệm năng lượng” của nhóm CAB Team, gồm một chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi sử dụng năng lượng của 25 sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng, và lan tỏa thông điệp đến các sinh viên khác thông qua nhiều kênh và phương tiện truyền thông.
- Sáng kiến “Energy Transition Exhibition ETE” của nhóm ETE nhằm nâng cao hiểu biết của học sinh 3 trường THCS tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội về vấn đề năng lượng và tính tất yếu của quá trình chuyển dịch năng lượng dưới hình thức triển lãm tương tác và thi tranh biện.
- Sáng kiến “Tính toán lượng phát thải, đề xuất và thực hiện một số giải pháp giảm khí CO2 trong giao thông ở trường THPT Nguyễn Trãi - Thường Tín” của nhóm Sợi Chỉ Đỏ nhằm khảo sát việc sử dụng phương tiện cá nhân của học sinh, giáo viên và nâng cao nhận thức giúp ít nhất 30% học sinh có thay đổi tích cực trong việc sử dụng phương tiện giao thông.
- Sáng kiến “Đèn năng lượng mặt trời cho khu vực Bờ Vở sông Hồng” của nhóm năng lượng xanh 1516 nhằm thiết kế, sản xuất và lắp đặt hệ thống đèn năng lượng mặt trời thắp sáng tuyến đường và vườn cây, sân chơi tại Bờ Vở sông Hồng, Hà Nội.
Viện FES cho biết từ nay về sau, Cuộc thi sẽ được tổ chức thường niên, và mỗi năm sẽ chọn ra 10 dự án để tài trợ với tổng giá trị 15.000 euro.
Cuộc thi nằm trong khuôn khổ dự án Green Youth Lab do Viện FES thực hiện ở Việt Nam, là một phần trong Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) được Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân Đức (BMU) hỗ trợ.
Trang Linh