Mỹ đang triển khai Dự án Bison nhằm xây dựng nhà máy thu giữ carbon lớn nhất thế giới tại bang Wyoming. Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động chính thức năm 2023, và theo kế hoạch sẽ mở rộng quy mô vào cuối thập kỷ này để có khả năng thu hồi 5 triệu tấn khí carbon dioxide (CO2) mỗi năm từ khí quyển, góp phần chống biển đổi khí hậu.

Hai đơn vị thực hiện dự án bao gồm công ty công nghệ CarbonCapture có trụ sở tại Los Angeles và đối tác Frontier Carbon Solutions.

Trong quá trình hoạt động, nhà máy tại Wyoming sẽ hút không khí vào hệ thống xử lý bằng một chiếc quạt khổng lồ. Không khí sau đó đi qua những bề mặt nhựa mỏng được phủ một dung dịch đặc biệt có khả năng hấp thụ CO2. Hệ thống sẽ lọc bụi và chất ô nhiễm trước khi bơm dung dịch đến cơ sở chiết xuất. CO2 xuất hiện lại dưới dạng khí nén có thể dùng để sản xuất nhiên liệu hydrocacbon tổng hợp hoặc chôn xuống lòng đất.

Hiện nay, công nghệ loại bỏ CO2 trực tiếp từ khí quyển vẫn còn khá mới và sử dụng rất nhiều năng lượng nên có chi phí không hề rẻ, lên tới 600 USD mỗi tấn. Trong tương lai, công ty CarbonCapture đặt mục tiêu sẽ giảm chi phí này xuống mức khoảng 100 USD/tấn.

Thêm vào đó, Dự án Bison cũng nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Đạo luật Giảm lạm phát mà Quốc hội Mỹ thông qua gần đây. Đạo luật này đã tăng khoản tiền trợ cấp của Chính phủ từ 50 USD lên mức 85 USD cho mỗi tấn CO2 thu hồi từ các nguồn gây ô nhiễm.

Thông qua việc loại bỏ CO2 trong khí quyển, công ty CarbonCapture sẽ bán “tín chỉ carbon” của mình cho những công ty khác đang tìm cách bù đắp lượng khí thải của họ.

Nguồn: Newatlas, Euronews